Thủ đô với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Quý I/2019, Ban chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể đã tập trung chỉ đạo sâu sát và toàn diện công tác tuyên truyền, tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, của Thủ đô nói riêng.
Các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục tham mưu cho TP triển khai việc tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh triển khai chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, phát triển thương hiệu, khuyến công, phát triển làng nghề, góp phần tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp Việt đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các hội chợ, phiên chợ hàng Việt đã được đông đảo Nhân dân tham quan và mua sắm, qua đó nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm hàng nội địa khi mua sắm.
Các DN trên địa bàn cũng tích cực hưởng ứng cuộc vận động, chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, coi trọng khách hàng, tăng cường quảng bá sản phẩm, từng bước thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, vẫn còn một số đơn vị, sở, ngành chưa chủ động quan tâm triển khai, thực hiện Cuộc vận động; một số DN chưa quan tâm đến việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu nhãn mác của sản phẩm, hàng hóa.
Để thực hiện Cuộc vận động hiệu quả hơn trong thời gian tới, Ban chỉ đạo Cuộc vận động yêu cầu các đơn vị thành viên tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng, triển khai chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2019.
Tổ chức đưa hàng Việt đến người tiêu dùng tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP và hệ thống phân phối tại nước ngoài. Tập trung kết nối cung - cầu, đẩy mạnh liên kết nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng. Tiếp tục rà soát, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, tăng cường giới thiệu, kết nối để sản phẩm đi sâu vào đời sống dân cư, tạo thói quen tiêu dùng. Tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, sản xuất, lưu thông, tiêu thụ. Ban chỉ đạo cũng yêu cầu lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, giá cả sản phẩm chống hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng chống buôn lậu, hàng cấm và gian lận thương mại.