Bắc Giang đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2022
Ngày 5/10, tại Bắc Giang, đã diễn ra Lễ phát động Tháng cao điểm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Chương trình do Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (BCĐ) tỉnh Bắc Giang tổ chức nhằm triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới và các Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương và của tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW.
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Bắc Giang, với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, thời gian qua, CVĐ đã tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp sản xuất, nhà cung ứng… trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hàng hóa xuất xứ Việt Nam được các trung tâm thương mại, siêu thị trưng bày, lưu thông và tiêu dùng trong tỉnh đạt hơn 95%; tại hệ thống các chợ trung tâm đạt 90%, trong đó tập trung vào các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng. Nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến như: Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, chè Bản Ven, mỳ Chũ...
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo các huyện, thành phố đã phối hợp triển khai có hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; định kỳ hằng năm tổ chức hội chợ, tham gia các hội chợ triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại để giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm tiềm năng của địa phương, đơn vị. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn, chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng được đẩy mạnh. Đồng thời, Ban chỉ đạo đã thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường; thông tin kịp thời về các hành vi vi phạm. Cùng đó xử lý nghiêm minh các hành vi gian lận thương mại, vận chuyên, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng. BCĐ các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động khảo sát, giám sát, kiểm tra góp phần bảo đảm sự minh bạch về thực hiện chính sách và hoạt động sản xuất, thương mại; việc thực hiện cam kết của các doanh nghiệp bán lẻ về tỷ lệ hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, tỷ lệ hàng Việt trong các trung tâm thương mại, chợ truyền thống...
Tăng cường tổ chức khảo sát, giám sát đột xuất khi có các sự việc ảnh hưởng đến bình ổn giá, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã ở địa phương, cơ sở. Phối hợp tổ chức khảo sát đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt đang lưu thông trên địa bản tỉnh; tập trung khảo sát các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh để có thông tin chất lượng sản phẩm, hàng hóa của đơn vị, doanh nghiệp đến với người tiêu dùng. Vận động các doanh nghiệp tích cực tham gia hội chợ với chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; khuyến khích các doanh nghiệp, nhà phân phối ưu tiên bán hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đưa hàng hóa Việt Nam về thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu thông qua hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp, nhà phân phối.
Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kịp thời thông tin với cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm bản quyền, nhãn hiệu, sản phẩm kém chất lượng; khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hàng hóa Việt Nam sản xuất. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong phân phối sản phẩm, chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, chuyển đổi khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản xuất. Kịp thời tổ chức chương trình tôn vinh các doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm, hàng hóa trong tỉnh được người tiêu dùng ưa chuộng và đạt doanh số cao; các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, chất lượng của địa phương.