Xúc tiến mặt hàng nông, thủy sản của tỉnh Bến Tre vào thị trường các quốc gia Hồi giáo
Trong giai đoạn 2016-2021, xuất khẩu nông, thủy sản của Bến Tre đạt 6,53 tỷ USD, trong đó thị trường các nước Hồi giáo mới chỉ đạt gần 154 triệu USD. Điều này cho thấy, vẫn còn nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản có thế mạnh của Bến Tre sang thị trường các quốc gia Hồi giáo.
Nhiều lợi thế
Những năm qua, tỉnh Bến Tre đã góp phần tích cực vào sự tăng trưởng ngoạn mục của kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của tỉnh tăng đều hàng năm.
Tổng giai đoạn 2016-2021 xuất khẩu nông, thủy sản của Bến Tre đạt 6,53 tỷ USD, trong đó thị trường các nước Hồi giáo đạt gần 154 triệu USD, tập trung vào các nhóm hàng có thế mạnh của địa phương, nhất là sản phẩm từ dừa và thủy sản.
Bến Tre có hơn 77.000 ha trồng dừa, chiếm 1/3 diện tích trồng dừa của cả nước, cung cấp cho thị trường các sản phẩm như nước dừa trái tươi, nước dừa đóng lon, sữa dừa, dầu dừa, than hoạt tính, mỹ phẩm, đồ uống và các sản phẩm từ xơ dừa. Các sản phẩm từ dừa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, đã đạt các bộ tiêu chuẩn ISO 22000:2005, BRC, Kosher, Halal, HACCP và đã xuất khẩu thành công sang các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt, như Mỹ, Australia, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... Bên cạnh cây dừa, Bến Tre còn nổi tiếng với nhiều loại cây ăn trái khác có chất lượng, như sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn... và đã xuất khẩu ổn định sang nhiều quốc gia.
Đến nay, tỉnh có khoảng 150 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, các sản phẩm từ Bến Tre đã xuất khẩu sang hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, chỉ có 14 doanh nghiệp đạt chứng nhận Halal, đáp ứng các điều kiện để xuất khẩu vào thị trường các quốc gia Hồi giáo.
Theo ông Nguyễn Văn Niệm - Phó giám đốc Sở Công Thương Bến Tre, so với 150 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu tại tỉnh, thì con số 14 khá khiêm tốn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các doanh nghiệp còn lại không đáp ứng tiêu chuẩn Halal, mà có thể do chưa có nhiều thông tin để mạnh dạn tham gia được cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm của mình.
Ngoài ra, các doanh nghiệp chưa tiếp cận được nhiều thông tin thị trường, nhất là văn hóa tiêu dùng, kinh doanh và các quy định đối với sản phẩm Halal, như: doanh nghiệp chưa quan tâm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để phù hợp với văn hóa Hồi giáo; chưa có bộ tiêu chuẩn Halal thống nhất áp dụng với tất cả các nước trên toàn cầu; nhiều tổ chức được phép cấp chứng nhận Halal, nhưng quy trình thủ tục cấp chứng nhận của các tổ chức không thống nhất…
Cần đảm bảo ổn định số lượng, giá cả
Nhằm quảng bá các sản phẩm nông, thủy sản chủ lực của tỉnh Bến Tre đến các thị trường Hồi giáo, đồng thời góp phần giới thiệu các thế mạnh của tỉnh trên các lĩnh vực tiềm năng, mới đây, tại Hội nghị “Xúc tiến hàng nông, thuỷ sản của tỉnh Bến Tre vào thị trường các quốc gia Hồi giáo”, Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre Lê Đức Thọ đã giới thiệu về các thế mạnh của Tỉnh trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp thương mại và phát triển đô thị, du lịch… cũng như những bước phát triển về kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản nói riêng.
Ông Lê Đức Thọ đánh giá cao tiềm năng của thị trường các quốc gia Hồi giáo với dân số gần 2 tỷ người và quy mô thị trường lớn; bày tỏ mong muốn thông qua Hội nghị lần này, các doanh nghiệp tỉnh Bến Tre và các đối tác tại các nước Hồi giáo sẽ kết nối và tìm kiếm các cơ hội hợp tác về xuất khẩu các sản phẩm nông, thuỷ sản.
Hội nghị này đã thu hút được sự quan tâm tham gia của hơn 250 đại biểu trực tiếp và trực tuyến, bao gồm các đại sứ, tham tán thương mại, đại diện đại sứ quán các nước Hồi giáo tại Hà Nội và các đại sứ, tham tán thương mại của Việt Nam tại khu vực, lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp nông, thuỷ sản tỉnh Bến Tre và các doanh nghiệp, hiệp hội, chuỗi siêu thị lớn tại nhiều thị trường Hồi giáo quan trọng.
Tại Hội nghị, đại diện các Sở/ngành và doanh nghiệp tỉnh Bến Tre đã cung cấp thông tin về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông, thuỷ sản nói chung và sản phẩm dừa nói riêng của tỉnh trong việc tiếp cận thị trường các quốc gia Hồi giáo, cũng như những khó khăn, thuận lợi trong việc thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.
Các đại biểu quốc tế thống nhất nhận định các mặt hàng nông, thuỷ sản của Việt Nam, trong đó có mặt hàng nông sản nhiệt đới, rất được ưa chuộng tại các nước Hồi giáo, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường trao đổi thông tin giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên, qua đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng cũng như các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường các nước Hồi giáo, trong đó có chứng chỉ Halal.
Về các biện pháp cụ thể, các đại biểu cho rằng cần đưa mặt hàng nông thuỷ sản của tỉnh Bến Tre vào thị trường các nước Hồi giáo thông qua các chuỗi siêu thị lớn của địa bàn, giúp đảm bảo sự ổn định về số lượng, giá cả và sự an toàn của các giao dịch.