Để người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng nông đặc sản địa phương
Thời gian gần đây, nhiều nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã chung tay đẩy mạnh tiêu thụ cam sành, nhằm hỗ trợ bà con nông dân một số tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tìm đầu ra cho mặt hàng trái cây này.
Tại Trung tâm Thương mại dịch vụ An Đông, chợ An Đông, quận 5, TP. Hồ Chí Minh, gần 5 tấn cam sành Vĩnh Long đã phân phối đến mạng lưới đầu mối trong chương trình vận động tiêu thụ do Phòng Kinh tế - UBND quận phát động. Thống kê nhanh cho thấy, đơn vị này đã hỗ trợ tiêu thụ lên đến hàng chục tấn cam sành với giá 35.000 đồng/combo 5kg, tương đương 7.000 đồng/kg và dự báo lượng hàng tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Ghi nhận ý kiến nhiều người tiêu dùng khác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng như Hà Nội có thể thấy, việc chung tay tiêu thụ cắc mặt hàng nông sản cho bà con nông dân đã trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục và tự nguyện. Đặc biệt, các gia đình và bà nội trợ còn tự trau dồi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm sơ chế, chế biến, dự trữ mặt hàng nông sản này lâu hơn như ép nước và cấp đông, phối hợp với những nguyên liệu khác chế biến nước ép cô đặc, mứt, kem...
Trên thực tế, xu hướng người tiêu dùng toàn cầu cũng như tại Việt Nam có thói quen tiêu dùng chuyển dần sang ưa chuộng sản phẩm có vitamin tự nhiên, ít thành phần hóa học... Đây là cơ hội không chỉ cho doanh nghiệp chế biến nông đặc sản Việt, mà còn mang lại giải pháp tái cấu trúc chuỗi cung ứng rau củ, quả, trái cây... tạo đầu ra ổn định cho bà con nông dân.
Với mong muốn mang đến tận tay người dân Thủ đô những sản phẩm nông sản, trái cây đặc trưng của các tỉnh, thành, thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội cũng tổ chức nhiều chương trình, giới thiệu trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội.
Đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết, việc tổ chức sự kiện có ý nghĩa thiết thực trong việc đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã của Hà Nội và các tỉnh, thành phố quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội, đồng thời giúp người tiêu dùng Thủ đô nhận biết, có thêm nhiều lựa chọn tiêu dùng sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý, phát huy tinh thần tự lực, tự cường.
Tuần hàng thông thường có quy mô khoảng 100 gian hàng, cùng sự tham gia của trên 45 doanh nghiệp, hợp tác xã của Hà Nội và 15 tỉnh như: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Lào Cai, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam… nhằm quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm trái cây, nông sản mùa vụ như nhãn Hưng Yên; Na Chi Lăng; xoài, bơ Sơn La; nông sản đặc sản; đặc sản vùng miền; sản phẩm OCOP…
Qua đó, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm, thực hiện hiệu quả kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ của Thành phố, thực hiện tốt Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Nhiều cá nhân cũng như các đơn vị doanh nghiệp tham gia Tuần hàng đều mong muốn Sở Công Thương các tỉnh thành phố tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện tuần hàng hơn nữa để các sản phẩm đặc sản vùng miền đạt chất lượng, an toàn được đưa đến tận tay người tiêu dùng Thủ đô.