Xây dựng thương hiệu long nhãn Sơn La: Nâng cao giá trị sản phẩm địa phương
Tại Sơn La, nhãn được trồng khắp tỉnh, đặc biệt là ở khu vực huyện sông Mã – nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Việc xây dựng thương hiệu cho long nhãn Sơn La giúp đa dạng sản phẩm và nâng cao giá trị cho sản phẩm này.
Trái vàng trên đất Sơn La
Cây nhãn bén duyên với vùng đất biên cương Sơn La từ những năm 1960-1970 của thế kỷ trước, do người dân Hải Hưng ngày đó lên xây dựng vùng kinh tế mới, khai hoang lập nghiệp, đem giống cây nhãn lồng lên đây trồng thử, không ngờ cây nhãn nhanh chóng thích nghi với thổ nhưỡng, đơm hoa kết trái và cho quả ngọt.
Với diện tích trên 19.600 ha, Sơn La hiện là tỉnh có diện tích, sản lượng nhãn lớn nhất cả nước. Cùng với xuất bán quả tươi ra thị trường, tỉnh còn tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, HTX, hộ trồng nhãn phát triển nghề chế biến long nhãn, xây dựng thương hiệu long nhãn Sơn La.
Sông Mã là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Sơn La, nơi đồng bào dân tộc Thái chiếm trên 59,51% dân số của huyện, còn lại là các dân tộc thiểu số khác. Ban đầu, cây nhãn được trồng chủ yếu ở các hộ gia đình sinh sống hai bên bờ sông Mã, thuộc các xã Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong (huyện Sông Mã). Dần dần cây nhãn ngày càng mở rộng diện tích và trở thành đặc sản của vùng này. Cây nhãn đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sông Mã nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung.
Đặc biệt, bên cạnh chế biến quả tươi, tỉnh Sơn La còn đẩy mạnh chế biến nhãn tươi thành long nhãn. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 600 cơ sở chế biến long nhãn, có 2 làng nghề chế biến long nhãn ở bản Hải Sơn và Hồng Nam, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã. Nâng cao giá trị sản phẩm nhãn, Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1818/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh về việc quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư các cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác.
Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ 726 kho bảo quản lạnh, đông lạnh, công ten nơ đông lạnh, lò sấy hơi nhiệt, nhiệt lạnh và dây truyền máy móc với tổng kinh phí hơn 27,4 tỷ đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất chế biến các loại hoa quả và nông sản khác cho một số cơ sở công nghiệp nông thôn theo chính sách khuyến công với kinh phí hỗ trợ là hơn 2,2 tỷ đồng.
Người dân địa phương được hưởng lợi
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp - Sở Công Thương Sơn La đã hỗ trợ cho 2 cơ sở (long nhãn Đạt Thủy ở huyện Mai Sơn; long nhãn Bảo Minh ở huyện Sông Mã) tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực phía Bắc năm 2022. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Đạt Thủy đã đạt giải tại cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực phía Bắc. Năm 2021, sản phẩm long nhãn sấy khô do Công ty TNHH một thành viên Đạt Thủy, huyện Mai Sơn sản xuất được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Ông Dương Văn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đạt Thủy, cho biết: Năm 2021, Công ty được hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn khuyến công quốc gia để đầu tư máy móc thiết bị, nâng công suất dây chuyền sấy đa năng lên 7,5 tấn nguyên liệu/mẻ/60 giờ. Máy móc được hỗ trợ ngoài chế biến sản phẩm long nhãn, còn giúp chúng tôi chế biến thêm nhiều sản phẩm khác, như: Rượu mắc ca, dầu mắc ca, hạt mắc ca. Sản phẩm long nhãn tiếp tục khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường, được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực phía Bắc năm 2022.
Hiện nay, long nhãn sấy khô của HTX Bảo Minh ở huyện Sông Mã (Sơn La) là một trong những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, có lối canh tác an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP.
Long nhãn của HTX Bảo Minh được sản xuất từ 100% cùi quả nhãn tươi sấy khô, từ các loại nhãn Sông Mã nổi danh như nhãn Miền Thiết, nhãn chín sớm, nhãn chín muộn, nhãn chất lượng đạt chỉ tiêu xuất khẩu. Những quả nhãn tươi ngon, mỏng nước được thu hái về, rửa sạch, sau đó được bóc vỏ, tách hạt và đưa vào lò hơi sấy khô tự nhiên, hoàn toàn không có chất bảo quản và không thêm bất cứ loại chất tạo ngọt nào.
Ông Đào Mạnh Hồng - Trưởng Bản Hồng Nam, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) cho biết: Vào mỗi vụ nhãn, trong bản thường có trên 70 hộ tham gia chế biến long nhãn, đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Tính trung bình, mỗi vụ nhãn, người dân xã Chiềng Khoong chế biến được trên gần 200 tấn long nhãn, với giá bán dao động từ 150.000 - 250.000 đồng/kg long nhãn, mang lại doanh thu ổn định cho người dân trồng nhãn.
Thời gian tới, để nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số, ngành Công Thương Sơn La xác định tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất, chế biến sản phẩm nhãn; hỗ trợ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ và tham gia các hội chợ thương mại đối với sản phẩm long nhãn, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ dân, HTX chế biến long nhãn. Đẩy mạnh khuyến công, xúc tiến thương mại các sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề để khuyến khích phát triển và thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, liên kết theo chuỗi giá trị để phát triển các làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề chế biến long nhãn.