Thí điểm mô hình "Chợ đêm trên mây"
Theo kế hoạch, 'Chợ đêm trên mây'' sẽ được tổ chức vào 20 giờ 30, thứ 6 hàng tuần.
Ngày 24/8, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Thành phố Hà Nội cho biết, đang tiếp nhận đơn đăng ký tham gia khoá tập huấn bán hàng online, livestream thứ 3. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thí điểm mô hình “Chợ đêm trên mây” hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP. Dự kiến, khoá tập huấn thứ 3 sẽ diễn ra trong 1,5 ngày (3 buổi), bắt đầu từ ngày 25-26/8/2021. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng, cấp sao trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sẽ được giảng viên Viện nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN hỗ trợ phổ biến kiến thức bán hàng trực tuyến.
Cùng với việc khai giảng khoá tập huấn thứ 3 về bán hàng online, livestream, đơn vị đang xây dựng kế hoạch triển khai mô hình thí điểm “Chợ đêm trên mây”. Mô hình nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh có cơ hội thực hành sau khi kết thúc khoá học trực tuyến miễn phí.
"Chợ đêm trên mây" là dịp để các chủ thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền tiêu thụ nội bộ, tiêu thụ chéo giữa các nhóm hàng hoá của nhau. Đồng thời, giới thiệu và bán sản phẩm đến khách mời tham dự các sự kiện tiêu thụ online tổ chức vào tối thứ 6 hằng tuần...
Để bảo đảm hiệu quả cho mô hình thí điểm “Chợ đêm trên mây”, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội yêu cầu các chủ thể khi tham gia phải có hồ sơ đầy đủ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, tem nhãn chứng minh chất lượng của sản phẩm. Đặc biệt là có bản cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm bán ra tại phiên chợ.
Trong phiên "Chợ đêm trên mây" này, giá bán các sản phẩm cũng sẽ được các chủ thể ưu đãi để khuyến khích khách hàng và khách mời kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn. Mục tiêu cốt lõi mà phiên chợ hướng đến là “Sản phẩm thật - Giá trị thật - Giao dịch thật”.
Hiện Văn phòng đã tổng hợp đăng ký của 30/30 quận, huyện, thị xã triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 2.349 sản phẩm giai đoạn 2021-2025 thuộc các nhóm hàng: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, trang trí, ngành vải, may mặc và dịch vụ du lịch nông thôn… Trong đó, năm 2021 có 547 sản phẩm đăng ký đánh giá phân loại.
Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, UBND thành phố giao chỉ tiêu tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP theo đúng quy định, phấn đấu có khoảng 400 sản phẩm đạt từ 3 sau trở lên và 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm cấp quốc gia; phát triển mới 30-40 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, hướng dẫn, hỗ trợ 1.054 sản phẩm/255 chủ thể đã được thành phố phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng cấp thành phố tham gia các hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm.
Đại dịch SARS-CoV-2 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp với biến thể mới đang gây lo lắng cho cả thế giới. Để có thể kiếm kế sinh nhai trong khi vẫn đảm bảo an toàn trước dịch bệnh, rất nhiều ý tưởng độc đáo và thú vị trên khắp thế giới đã trở thành hiện thực.
Tại Việt Nam, từ một mô hình chợ truyền thống, gắn với người Việt bao đời này thế nhưng, khi những ca F0 được ghi nhận xuất hiện tại nơi này, xu hướng mua sắm của người dân cũng buộc phải thay đổi. Những mô hình như "mang chợ ra phố", "đưa chợ ra không gian thoáng", "chợ di động", "chợ 0 đồng", "chợ một giá", "chợ cư dân" hay "đi chợ hộ", "bán hàng theo combo"... lần lượt ra đời, đáp ứng mọi yêu cầu cấp bách của người dân.
Hơn một tháng qua, Sở Công thương TP HCM đã tổ chức được hàng nghìn điểm bán hàng lưu động, bình ổn. Lượng lớn thực phẩm thiết yếu đã được đưa đến tay người dân qua các kênh bán hàng này. Nhiều siêu thị cũng áp dụng bán hàng dưới dạng "combo", đăng ký trước cho nhiều địa phương, và sẽ tăng mạnh thêm quy mô hoạt động để hỗ trợ người dân. Theo đó, khi cần, người dân có thể đăng ký mua chung, hoặc liên hệ với địa phương để chuyển đơn hàng đến người đại diện, thông qua đây, đơn hàng mua chung sẽ được địa phương và siêu thị thiết lập.
Theo các siêu thị, đáng chú ý là nhu cầu mua hàng online người dân tự đặt lại tăng mạnh. Do hạn chế về nhân lực nên có điểm bán chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. Cách thức mua hàng online, mua hàng không tiếp xúc sẽ hạn chế rất nhiều nguy cơ lây chéo dịch bệnh.
Tại Đà Nẵng, hình thức mua hàng trực tuyến cũng đang được áp dụng rộng rãi, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, trong bối cảnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội.
Sở Công Thương, trong điều kiện bình thường, hệ thống siêu thị tại Đà Nẵng chạy hết công suất cũng chỉ đáp ứng được 20-30% nhu cầu người dân thành phố. Hiện nay trong điều kiện giãn cách, các siêu thị chỉ hoạt động 30% công suất thì không tránh khỏi việc quá tải đơn hàng. Hiện sở đã cho phép các siêu thị nâng công suất lên 60% và không áp dụng "3 tại chỗ" đối với nhân viên để tăng năng lực cung ứng. Ngoài ra, cho phép các siêu thị tăng số lượng shipper, hợp đồng với các shipper công nghệ để đẩy nhanh việc giao hàng.