Mở rộng đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đồng bào dân tộc
Thế mạnh của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đồng bào dân tộc không chỉ nằm ở sự đa dạng mà còn nằm ở chiều sâu, những câu chuyện văn hoá đằng sau sản phẩm. Đây là giá trị quan trọng, tạo điều kiện cho sản phẩm được tiêu thụ tốt hơn.
Thế mạnh của sản phẩm
Sau 3 năm thực hiện Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa đã đưa thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tăng thêm 10%, từ 39 triệu đồng năm 2021 lên dự kiến 43 triệu đồng vào năm nay.
Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều và chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục giảm. Thống kê năm 2021 là 25,35%; đến năm 2022 còn 21,36%. Có được kết quả này là do thời gian qua, nhiều địa phương đã cho bà con địa phương, đặc biệt là bà con dân tộc Thái theo học lớp mây tre đan theo chương trình đào tạo nghề của huyện Thường Xuân.
Niềm vui của người phụ nữ dân tộc Thái cũng là ao ước của đông đảo bà con miền núi, vùng sâu vùng xa. Họ ao ước có một cái nghề, vừa phụ giúp gia đình, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống và có thể tiết kiệm lúc về già.
Giống như sản phẩm thủ công mỹ nghệ của bà con dân tộc huyện Thường Xuân, hiện nay nhiều sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với những truyền thống văn hóa tập tục. Điều này làm nên sự hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng hiện đại. Nhiều sản phẩm đã trở thành thế mạnh của của địa phương được tiêu thụ ở các kênh phân phối và xuất khẩu như sản phẩm mây tre đan xuất khẩu đi EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… và nhiều thị trường khó tính khác.
Chia sẻ về thế mạnh sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam cũng khẳng định, Việt Nam đang sở hữu một kho tàng văn hoá - một kho tàng mà có lẽ ít quốc gia trên thế giới có được. Kho tàng này không chỉ dùng để phục vụ cho phát triển nghề thủ công mà còn dùng để phát triển, xây dựng thương hiệu vùng miền, thậm chí có thể xây dựng được thương hiệu quốc gia. Đó là kho tàng văn hoá nghề thủ công của cộng đồng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam, là một ngôn ngữ của người dân tộc.
Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ở quy mô các cấp, các ngành đến địa phương, doanh nghiệp đã triển khai được nhiều Chương trình, hoạt động thiết thực hỗ trợ bà con phát triển nghề thủ công mỹ nghệ, nghề đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
"Những Chương trình, hoạt động này đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng người sản xuất, bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như cộng đồng các doanh nghiệp" - ông Lê Bá Ngọc cho biết.
Tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm
Ông Lê Bá Ngọc cho rằng, với kho tàng văn hóa nghề thủ công, cần phải xây dựng được một ngân hàng dữ liệu, bao gồm cả online, offline, giống như Chính phủ Thái Lan đã trực tiếp chủ trì và xây dựng một trung tâm, một ngân hàng dữ liệu quốc gia về ngành nghề thủ công của Thái Lan.
“Ngân hàng dữ liệu này chính là niềm cảm hứng cho các nhà thiết kế để phát triển sản phẩm mới và cũng chính là câu chuyện marketing để khách hàng mua hàng thủ công của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Do đó, đây là điều mà chúng ta nên và cần làm sớm nhất có thể” - ông Ngọc nói.
Để định vị thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như định vị thương hiệu cho vùng miền, cho doanh nghiệp, theo ông Lê Bá Ngọc cần chú ý một số yếu tố cụ thể.
Xác định đúng nhu cầu của thị trường và có các sản phẩm phù hợp với các phân khúc trung cấp và cao cấp. Phải gắn truyền thống văn hoá của bà con với phát triển thương hiệu vùng miền và xây dựng thương hiệu quốc gia. Định vị được không gian của hàng thủ công vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Lê Bá Ngọc cũng đề xuất, cần tăng cường hơn nữa công tác liên kết giữa các hộ sản xuất với doanh nghiệp nhằm tạo ra chuỗi sản xuất bền vững, đồng thời, công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cần chuyên nghiệp hơn; cần những chính sách mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để từ đó phát triển và xây dựng được thương hiệu của sản phẩm, của vùng miền và của doanh nghiệp.
Ông Lê Bá Ngọc cũng đề xuất tăng cường hơn nữa công tác liên kết giữa các hộ sản xuất với doanh nghiệp nhằm tạo ra chuỗi sản xuất bền vững. Các cấp, các ngành, các tổ chức và chính quyền địa phương chung tay phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm một cách chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, là cần ban hành thêm những chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Một cách quảng bá, theo ông Ngọc là có hiệu quả, đó là xây dựng các "tích truyện" gắn với sản phẩm. Thông qua già làng, nghệ nhân, họ có thể kể những câu chuyện, những hiểu biết để tạo nên "chiều sâu" cho sản phẩm, giúp chúng được phổ biến rộng rãi hơn trên không gian mạng.