Triển vọng chính sách kinh tế đối ngoại Thụy Sỹ năm 2023
Chính phủ Thụy Sỹ vừa công bố báo cáo về chính sách kinh tế đối ngoại Thụy Sỹ năm 2022 và triển vọng năm 2023. Chính phủ nước này nhận định thời gian tới môi trường địa chính trị và kinh tế vĩ mô toàn cầu vẫn còn rất nhiều thách thức: cuộc chiến ở Ukraine kéo dài, tác động đến các dòng đầu tư và thương mại toàn cầu, thị trường năng lượng căng thẳng, lạm phát tiếp tục ở mức cao… Trước tình hình này, các nước ngày càng chú trọng các yếu tố an ninh, an toàn trong chính sách kinh tế và thương mại của mình. Các xu hướng hướng đến chủ nghĩa bảo hộ và tạo các khối liên kết kinh tế chính trị ngày càng mạnh hơn.
Trong bối cảnh đó, đa dạng hóa các chuỗi giá trị là chìa khóa cho khả năng chống chịu của nền kinh tế Thụy Sỹ. Nước này sẽ sử dụng các công cụ ngoại giao kinh tế và thương mại để thúc đẩy thương mại mở, tự do và có điều tiết. Thụy Sỹ sẽ tiếp tục ủng hộ cải cách WTO, coi việc này có vai trò then chốt ở cấp độ đa phương. Những cải cách này bao gồm khôi phục quy trình giải quyết tranh chấp, đàm phán về các chủ đề nổi bật như trợ cấp nghề cá, các bài học kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19 và việc gia hạn lệnh cấm áp thuế đối với thương mại số. Thụy Sỹ cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ khả năng phục hồi và đa dạng hóa của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi trong khuôn khổ hợp tác phát triển kinh tế.
Trong quan hệ kinh tế song phương và nhiều bên, việc ký kết và hiện đại hóa các hiệp định thương mại tự do và hiệp định bảo hộ đầu tư sẽ vẫn đóng vai trò then chốt đối với Thụy Sỹ. Nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại tự do với Kosovo, khối Mercosur, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam… Nhằm phát triển hơn nữa quan hệ với Vương quốc Anh, Thụy Sỹ sẽ tiếp tục đàm phán về khả năng hiện đại hóa hiệp định thương mại song phương và tiếp tục đàm phán về một hiệp định dịch vụ tài chính.
Phát triển và củng cố quan hệ song phương với EU vẫn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Thụy Sỹ. Nhưng trước khi Thụy Sỹ và EU có thể bắt đầu các cuộc đàm phán mới (hai bên đã ngừng đàm phán thỏa thuận khung về hợp tác song phương năm 2021), hai bên cần thiết lập một cơ sở chung phù hợp. Do đó, Thụy Sỹ cho rằng trước mắt hai bên cần tiếp tục các cuộc trao đổi mang tính thăm dò.
Ngoài khu vực châu Âu, các nước Nam Phi, Ả-rập Xê-út, Brazil, Canada, Trung Quốc, Ai Cập, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Mexico và Thái Lan cũng được xác định là những đối tác quan trọng của Thụy Sỹ. Chính phủ Thụy Sỹ sẽ thường xuyên duy trì đối thoại, trao đổi để thúc đẩy hợp tác kinh tế với những đối tác ưu tiên này.
Chính phủ Thụy Sỹ cũng tiếp tục đặt trọng tâm vào hai lĩnh vực chuyên ngành là 'Góp phần phát triển bền vững về môi trường và xã hội' và 'Tích hợp nền kinh tế số'. Vì vậy, Thụy Sỹ sẽ tiếp tục ủng hộ các cuộc đàm phán nhiều bên về các hiệp định liên quan đến biến đổi khí hậu, thương mại và phát triển bền vững trong khuôn khổ WTO. Lần đầu tiên, một nghiên cứu phân tích về phát triển bền vững sẽ được tiến hành ngay từ trước, liên quan đến đàm phán FTA với Thái Lan. Để khuyến khích hành vi kinh doanh có trách nhiệm, Thụy Sỹ sẽ nỗ lực thúc đẩy việc thông qua Hướng dẫn cập nhật cho các Công ty Đa quốc gia của OECD.
Trong bối cảnh hội nhập vào nền kinh tế số, Thụy Sỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy xây dựng các quy tắc quốc tế về thương mại điện tử, cả trong khuôn khổ đa phương của WTO cũng như trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do và các hiệp định về kỹ thuật số. Chính phủ Thụy Sỹ cho rằng điều quan trọng là phải đảm bảo một chính sách kinh tế đối ngoại phù hợp cho các hoạt động này, đòi hỏi sự tham gia nhiều hơn của các bên liên quan thông qua các kênh khác nhau.