Tọa đàm giới thiệu về thị trường Việt Nam tại Algeria
Trong hai ngày 16-17/8/2022, Thương vụ đã phối hợp Hiệp hội thanh niên Algeria, Phòng Thương mại và Công nghiệp và Sở Thương mại tỉnh Skikda tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu về thị trường Việt Nam, quy định xuất nhập khẩu và tiềm năng thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Trong hai ngày 16-17/8/2022, Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã tổ chức chuyến công tác tại tỉnh Skikda, một địa phương miền Đông Algeria giàu tiềm năng dầu mỏ, nông nghiệp, công nghiệp và du lịch, nằm cách thủ đô Algiers 500 km.
Trong thời gian công tác, Thương vụ đã phối hợp Hiệp hội thanh niên Algeria, Phòng Thương mại và Công nghiệp và Sở Thương mại tỉnh Skikda tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu về thị trường Việt Nam, quy định xuất nhập khẩu và tiềm năng thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Tọa đàm giới thiệu thị trường Việt Nam cho các doanh nghiệp Algeria
Bên cạnh đại diện các cơ quan trong tỉnh, có 15 doanh nghiệp địa phương tham dự cuộc gặp. Các doanh nghiệp Algeria bảy tỏ mong muốn nhập khẩu chuối quả, máy dệt, dây chuyền chế biến thực phẩm của Việt Nam và xuất khẩu gỗ lie, da, lông cừu, quả chà là, dầu ô liu, mỹ phẩm tự nhiên, chân gà …
Hiệp hội thanh niên Algeria cho biết đang xây dựng kế hoạch tổ chức đoàn XTTM vào Việt Nam trong quý 4/2022 và đề nghị Thương vụ phối hợp, hỗ trợ bố trí chương trình.
Nhân dịp này, Thương vụ đã mời các doanh nghiệp của tỉnh Skikda tham dự Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam-Algeria dự kiến diễn ra vào ngày 26, 27/9/2022. Sự kiện do Cục Xúc tiến thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Algeria và Cục Xúc tiến ngoại thương Algeria phối hợp tổ chức.
Đối với thị trường Algeria, nếu như trong những năm 60, trao đổi thương mại giữa hai nước gần như chưa có gì ngoài một số sản phẩm của Việt Nam là những quyển sổ, bút máy, bút chì và vải do trẻ em Việt Nam tặng trẻ em Algeria thì ngày nay nhiều mặt hàng của nước ta đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường này như cà phê, tiêu, gạo, thủy sản, giày dép, hàng dệt may, sắt thép…
Quan hệ thương mại Việt Nam - Algeria bắt đầu xuất hiện rõ nét từ năm 1975. Ngay sau khi miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, Chính phủ Algeria đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 100.000 tấn dầu thô và cho Việt Nam vay 1 triệu tấn dầu thô. Giai đoạn từ năm 1976 - 1988, kim ngạch trao đổi hai chiều giữa hai nước không đáng kể, chỉ khoảng 50.000 USD/năm.
Trong thời kỳ 1989 - 2000, Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sang Algeria trong khuôn khổ trả nợ mỗi năm từ 5 - 15 triệu USD. Tổng trị giá hàng giao trong thời kỳ này đạt khoảng 80 triệu USD. Các sản phẩm xuất khẩu trả nợ chủ yếu là gạo, cà phê, chè, hạt tiêu, giày dép, dụng cụ cầm tay, mây tre nguyên liệu, gốm sứ, hàng thể thao…
Kể từ năm 2001, xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia Bắc Phi này đã có những bước tiến đáng kể, đạt mức cao nhất gần 300 triệu USD năm 2017 (theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam). Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Algeria chủ yếu vẫn là nông sản như cà phê, gạo, hạt tiêu và thủy sản, hàng công nghiệp điện thoại di động, giày dép, hàng dệt may, sản phẩm sắt thép...
Về nhập khẩu, Việt Nam mua của Algeria một số lượng nhỏ dược phẩm, thức ăn gia súc và nguyên liệu, giấy vụn... với tổng kim ngạch thấp từ 3-4 triệu USD/năm.
Về khuôn khổ pháp lý, hai nước đã ký kết Hiệp định Thương mại song phương vào tháng 2/1994, Hiệp định Tương trợ tư pháp về thương mại và dân sự (2010). Đầu tháng 4/2014, Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam và Cục Xúc tiến xuất khẩu Algeria cũng đã ký Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại.
Bên cạnh trao đổi thương mại, hai nước đã mở rộng hợp tác sang lĩnh vực đầu tư. Công ty liên doanh ba bên GBRS giữa Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc PetroVietnam, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTTEP) và Tổng công ty Dầu khí quốc gia Algeria (Sonatrach) là biểu tượng cho sự hợp tác thành công giữa Việt Nam và Algeria. 12 năm sau khi triển khai thực hiện (từ năm 2003), dự án khai thác dầu tại mỏ Bir Seba (tỉnh Ouargla, Algeria) đã cho ra thùng đầu tiên vào tháng 8/2015. Sản lượng hiện tại khoảng 18.000 thùng/ngày.