Tình hình thị trường trong nước tháng 10/2014
Thị trường hàng hóa: Tháng 10 tương đối ổn định, giá nhiều loại hàng hóa thuộc nhóm lương thực, thực phẩm, hàng may mặc tăng nhẹ do đang trong giai đoạn chuyển mùa; các mặt hàng nhiên liệu năng lượng có xu hướng giảm do ảnh hưởng của giá thế giới; một số loại dịch vụ (y tế, giáo dục) tiếp tục được điều chỉnh tăng tại một số địa phương.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội: Theo Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 10 đạt 251.195 tỷ đồng, tăng 1,56% so với tháng 9 năm 2014, trong đó thương nghiệp là nhóm có mức tăng cao và có sự tăng trưởng trong nhóm kinh tế nhà nước; các ngành còn lại như ăn uống, dịch vụ, du lịch hầu như không tăng. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 10 tháng đầu năm đạt 2.399.480 tỷ đồng, tăng 11,14% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó du lịch vẫn là nhóm có mức tăng cao nhất, các nhóm còn lại chỉ tăng tương đương, mức tăng khoảng từ 10,78-11,82%. Trong cơ cấu loại hình kinh tế, nhóm có vốn đầu tư nước ngoài vẫn là nhóm có mức tăng cao nhất (tăng 20%), các nhóm còn lại chỉ tăng từ 9-11%. Như vậy nếu loại trừ yếu tố tăng giá tổng mức bán lẻ 10 tháng đầu năm tăng gần 6,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Chỉ số giá tiêu dùng: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,11% so với tháng 9. Trong cơ cấu chỉ số giá tháng 10, nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm giáo dục, tăng 1,31% do một số trường đại học, cao đẳng tiếp tục điều chỉnh tăng học phí. Tiếp đến là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,53% do việc điều chỉnh tăng phí dịch vụ y tế tại một số địa phương. Trong tháng 10, có 3 nhóm có chỉ số giá giảm trong đó nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng và giao thông giảm chủ yếu do tác động của giá xăng dầu, LPG giảm trong thời gian qua. Các nhóm còn lại chỉ tăng từ 0,01-0,22%.
Như vậy sau 10 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 2,36% so với tháng 12 năm 2013. Trong cơ cấu chỉ số giá 10 tháng đầu năm, giáo dục vẫn là nhóm có mức tăng cao nhất (tăng 8,18); tiếp đến là các nhóm hàng tiêu dùng như đồ uống thuốc lá, hàng may mặc, ăn uống ngoài gia đình, hàng hóa dịch vụ khác tăng từ 2,69-3,04% và chủ yếu tăng trong dịp lễ, Tết và giai đoạn chuyển mùa. Các nhóm còn lại chỉ tăng từ 0,2-2,56%, riêng nhóm Bưu chính viễn thông và nhà ở, vật liệu xây dựng giảm lần lượt 0,41% và 0,23%.
Dự báo trong thời gian tới, thị trường một số mặt hàng phục vụ tiêu dùng, quần áo, giầy dép sẽ sôi động hơn. Chuẩn bị cho dịp cuối năm nên một số mặt hàng như phân bón, vật liệu xây dựng nhu cầu cũng sẽ tăng do tính mùa vụ. Tuy nhiên, do nguồn cung các mặt hàng này vẫn tương đối dồi dào nên giá hàng hóa sẽ không biến động mạnh. Dự báo chỉ số giá tháng 11 sẽ tăng cao hơn mức tăng tháng 10.