Hội thảo “RCEP- Cơ hội và thách thức đối với cộng đồng kinh tế ASEAN và các nước CLMV”
Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động CLMV 2014 với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, qua đó góp phần vào việc thu hẹp khoảng cách giữa các nước thành viên ASEAN. Trong bối cảnh các nước ASEAN đang triển khai đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hội thảo sẽ cung cấp bức tranh toàn cảnh về cơ hội và thách thức khi thực thi RCEP, dự báo những tác động của RCEP đối với các nước CLMV, những vấn đề mà các nước ASEAN phải chuẩn bị khi RCEP đi vào thực thi, cũng như việc nâng cao năng lực để tham gia sâu rộng hơn vào tiến trình hội nhập khu vực trong thời gian tới.
Tham dự Hội thảo gồm 150 đại biểu là đại diện của các Bộ, Sở, Ban, ngành, các Hiệp hội và Doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Đặc biệt Hội thảo có sự hiện diện của các Đại sứ quán, Lãnh sự quán và diễn giả của các nước Campuchia, Lào, Myanmar.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các diễn giả trình bày về cơ hội và thách thức của các nước ASEAN nói chung và CLMV nói riêng trong quá trình hiện thực hóa RCEP; tình hình hợp tác trong ASEAN và vấn đề thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên; Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 và triển vọng phát triển thị trường du lịch giữa các nước thành viên ASEAN và các nước CLMV; RCEP và các vấn đề đặt ra đối với nền kinh tế của các nước CLMV.
Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP là ý tưởng được khởi xướng bởi các nước Đông Á tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 tại Campuchia cuối năm 2012. Mục tiêu của RCEP là tích hợp các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác nhau mà 10 nước ASEAN đã có với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ và Trung Quốc thành một hiệp định toàn diện để tối đa hóa các lợi ích kinh tế. Với sự tham gia của 16 nước Đông Á, chiếm khoảng 1/2 thị trường toàn cầu và 1/3 sản lượng kinh tế thế giới, dự kiến RCEP sẽ tạo ra khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, bên cạnh WTO. Nếu RCEP thành công sẽ khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, góp phần tích cực “tạo dựng và thúc đẩy một cấu trúc khu vực vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng” ở Châu Á.
RCEP chính thức khởi động đàm phán vào ngày 20 tháng 11 năm 2012, dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2015 và đi vào thực thi ngay sau đó. RCEP sẽ mở cửa hơn nữa thương mại hàng hóa và dịch vụ, hủy bỏ những rào cản thương mại và dần tự do hóa các dịch vụ, mở rộng hơn nữa đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN và các đối tác thương mại bên ngoài. Vì vậy việc hiểu rõ về RCEP, những tác động của nó đến Cộng đồng kinh tế ASEAN nói chung và các nước CLMV nói riêng như thế nào, các nước ASEAN cần chuẩn bị những gì để có thể đón nhận RCEP một cách hiệu quả và thành công nhất là điều rất đáng được quan tâm.
Về phạm vi của Hiệp định RCEP, ASEAN và các đối tác đã đồng ý sẽ đàm phán 07 lĩnh vực là thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh và giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, các bên cũng đồng ý sẽ xem xét đàm phán các nội dung khác trên cơ sở đồng thuận.
Cho tới nay, ASEAN và các đối tác đã tổ chức 5 Phiên đàm phán Hiệp định RCEP và hai Phiên họp cấp Bộ trưởng trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN năm 2013 và 2014. Các bên đã thành lập 07 nhóm công tác, 04 tiểu ban và đã đưa ra các đề xuất, thảo luận quan điểm, cách tiếp cận của nhau trong các lĩnh vực đàm phán, đặc biệt là thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.
Việc tham gia Hiệp định RCEP phù hợp với chủ trương tích cực, chủ động tham gia ASEAN, xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN của Việt Nam. Thúc đẩy hợp tác kinh tế với các đối tác là một trụ cột của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và hiện nay đàm phán Hiệp định RCEP đang được coi là ưu tiên cao nhất của ASEAN trong trụ cột này.
Bên cạnh đó, Hiệp định RCEP (ASEAN+6) phù hợp với quan điểm của Việt Nam về việc xây dựng một tiến trình hội nhập tại Đông Á mang tính “mở”, cân bằng, với sự tham gia của nhiều bên, trong đó ASEAN đóng vai trò vai trò "trung tâm". Hiệp định RCEP sẽ hỗ trợ các nỗ lực hội nhập ASEAN cũng như giữa ASEAN và các đối tác, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh liên kết kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang diễn ra với nhiều hoạt động, đề xuất đan xen và với sự tham dự của hầu hết các cường quốc, Hiệp định RCEP có thể trở thành một nhân tố có vai trò đủ lớn, cùng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), là cơ sở hình thành một Hiệp định thương mại tự do bao trùm toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.