Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham dự Hội nghị Dầu khí châu Phi tại Paris - Pháp
Đây là Hội nghị thường niên lớn nhất về đầu tư trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí tại các nước châu Phi. Trên 800 lãnh đạo các công ty dầu khí quốc gia, quốc tế và một số công ty trong lĩnh vực khác có liên quan (ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, công nghệ, luật…) trên khắp thế giới đã tham dự Hội nghị này.
Hội nghị Dầu khí châu Phi năm 2014 tập trung vào những vấn đề chính sách, môi trường đầu tư lĩnh vực Dầu khí (chủ yếu E&P) tại các quốc gia châu Phi; tiềm năng, cơ hội đầu tư về thăm dò và khai thác dầu khí tại các nước châu Phi cùng các nội dung khác như khu vực mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, những rủi ro chính trị, tài chính, luật pháp… khi đầu tư vào châu lục này. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thảo luận về những giải pháp công nghệ dầu khí (advanced technology sollutions) trong lĩnh vực E&P; vấn đề thu xếp tài chính, vốn, bảo hiểm… cho các dự án E&P; những giải pháp để giải quyết những khó khăn trong vấn đề vận hành, kỹ thuật, tài chính, pháp lý… trong các dự án E&P ở châu Phi cũng như vấn đề cạnh tranh trong thị trường dầu khí hiện nay, vai trò phụ nữ, vấn đề sử dụng lao động nữ trong lĩnh vực dầu khí tại châu Phi.
Những nội dung nêu trên đã được các diễn giả - là lãnh đạo các công ty dầu khí lớn như Chevron, ExxonMobil, Shell, Total và các nhà đầu tư đang có hoạt động trong lĩnh vực dầu khí tại châu Phi trình bày. Bên cạnh đó, Hội nghị lần này cũng đã tổ chức các buổi giới thiệu (Investor Showcases) của một số tập đoàn/công ty liên quan đến các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí tại châu Phi.
Tại Hội nghị này, Đoàn công tác của PVN đã tham dự các phiên họp của Hội nghị diễn ra liên tục trong 2 ngày 24-25/6/2014. Bên cạnh đó, Đoàn đã tiến hành gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với một số diễn giả và đại biểu để tìm hiểu tình hình thực tế, xu hướng, tiềm năng, cơ hội đầu tư vào trong thăm dò khai thác ở các nước châu Phi, đặc biệt là nghe ý kiến, phân tích và đánh giá của một số đại biểu từ các nhà đầu tư hiện hữu tại châu Phi tập trung nhiều vào vấn đề: tiềm năng dầu khí, rủi ro pháp lý và an ninh tại các quốc gia khác nhau ở châu Phi.
Các đại biểu mà các thành viên trong đoàn PVN đã tiếp xúc, trao đổi trong thời gian tại Hội nghị đến từ các công ty: Shell, ENI, Total E&P, Oando Energy Resources, Cogent Global Energy, KBC Advanced Technologies, NPC, Cogent Global Energy, Gabon Oil, Seplat Petroleum, Sahara Group, Dana Gas, Marathon Oil, Azonto Petroleum, Công ty dầu khí Nigeria, v.v...
Qua nghiên cứu các thông tin tại Hội nghị, cho thấy, tổng sản lượng dầu khai thác toàn khu vực châu Phi hiện nay khoảng 10-12 triệu thùng/ngày và khí là 250 tỷ m3/năm. Tổng trữ lượng dầu thu hồi dự kiến của toàn khu vực châu Phi được dự báo là khoảng 140 tỷ thùng và khí khoảng 550 TCF. Đây là một con số rất lớn và hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Đoàn công tác PVN nhận thấy một số nước châu Phi có nhiều cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí hiện nay mà PVN có thể quan tâm như: Đông Phi (Mozambique, Kenya); Tây Phi (Nigeria, Ghana, Cameroon); Trung Phi (Angola, Congo, Guinea); Bắc Phi (Algeria, Ai Cập, Libya, Marốc, Angola và Tuynisia), trong đó một số nước đang đứng đầu về sản lượng khai thác dầu và khí hiện nay là: Nigeria, Lybia, Algeria, Angola, Ai Cập, Sudan, v.v…
Đối với Việt Nam, vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng cho nền kinh tế phát triển ổn định, nhanh và bền vững đang là vấn đề cấp bách, thách thức. Do đó, việc đẩy mạnh hợp tác về năng lượng nói chung và lĩnh vực dầu khí nói riêng với các quốc gia châu Phi có tiềm năng dầu khí là hết sức cần thiết. Đây cũng là một trong những ưu tiên và được sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam về chủ trương, chính sách và nguồn vốn từ ngân sách.
Để tiếp tục triển khai thành công các dự án hiện có cũng như mở rộng danh mục đầu tư tại khu vực tiềm năng này, PVN trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường giao lưu, hợp tác, quan hệ cấp Chính phủ và cấp Tập đoàn với các quốc gia kể trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai dự án cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư mới; tăng cường mở rộng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ rủi ro với các đối tác chiến lược, đối tác truyền thống của PVN khi đầu tư vào khu vực này.
Để có cơ hội đầu tư vào châu Phi, PVN cần tích cực tham gia vào các vòng đấu thầu các lô mở ở các khu vực tiềm năng, tham gia chuyển nhượng hợp đồng với các nhà thầu khác trên cơ sở có quan hệ tốt với các công ty dầu quốc gia, thông tin từ các nhà môi giới trung gian có uy tín.
Cũng trong chương trình công tác, sau khi kết thúc Hội nghị, sáng ngày 26/6/2014 Đoàn đã đến thăm và làm việc với Lãnh đạo Trung tâm Công nghệ và Phát triển Riboud Product Center – SRPC, thuộc Tập đoàn Schlumberger (Pháp), tham quan Phòng thí nghiệm khoan thăm dò dầu khí hiện đại thuộc Trung tâm này.