Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá: Liệu ngân sách có tăng?
Mới đây, tại Công văn số 1537/BTC-CST ngày 25/01/2014, Bộ Tài Chính đang xin ý kiến các cơ quan liên quan góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Theo đó, dự kiến sẽ nâng mức thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá từ 65% lên 75% từ 1/7/2015, và lên 85% từ năm 2018.
Theo tính toán thì việc này sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước năm 2016 khoảng 2.930 tỷ đồng, năm 2017: 3.300 tỷ đồng và 7.700 tỷ đồng vào năm 2018. Cũng theo Bộ Tài chính, hiện tỉ lệ những người hút thuốc ở nước ta là khá cao với khoảng 15 triệu người. Thuốc lá là nguyên nhân trực tiếp gây ra 40.000 ca tử vong trong năm 2008, dự báo con số này sẽ lên tới 50.000 người năm 2023. Đây cũng là một trong những nguyên nhân để Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế đối với thuốc lá.
Xung quanh vấn đề này vẫn đang còn nhiều ý kiến đánh giá khác nhau giữa cơ quan quản lý Nhà nước, ngành sản xuất thuốc lá và các tổ chức bảo vệ sức khỏe cộng đồng về hiệu quả của chính sách mới này.
Theo nhận định của ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, trong khi ngành thuốc lá đang hoạt động trong môi trường pháp lý nghiêm ngặt, thì thuốc lá nhập lậu không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào. Việc tiếp tục tăng Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với sản phẩm thuốc lá sẽ khiến ngành thuốc lá trong nước bị lép vế và tạo cơ hội cho thuốc lá nhập lậu tiếp tục tăng mạnh.
Đứng trên quan điểm của Bộ Tài chính, bộ này khẳng định, tăng thuế TTĐB với thuốc lá sẽ giúp tăng thu ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng và hạn chế hiệu quả số người hút thuốc lá, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, cũng theo phân tích của ông Vũ Văn Cường, việc nâng mức thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá vào thời điểm hiện nay lại có thể khiến tổng thu ngân sách Nhà nước giảm chứ không hề tăng, mặc dù thuế suất tăng.