Petrolimex: Phấn đấu đáp ứng yêu cầu bình ổn thị trường trong mọi tình huống
Tăng tỷ giá tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu
Tuy nhiên, Báo cáo của Petrolimex cũng cho biết, có một số chỉ tiêu sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái như: chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 856 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ; trong đó lợi nhuận kinh doanh xăng dầu đạt 260 tỷ đồng, giảm 33%. Tổng lượng xuất bán xăng dầu giảm 3%; trong đó, lượng xuất bán 2 mặt hàng chính là xăng và diezen đều giảm nhẹ.
Theo Petrolimex, các yếu tố bất ổn địa chính trị tại châu Á, Trung Đông và Ucrain…, đồng thời Nhà máy lọc dầu Dung Quất ngừng sửa chữa trong 45 ngày đã ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong khu vực. Trong khi đó, kinh tế vĩ mô còn chưa ổn định, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc nhu cầu xăng dầu trong nước tiếp tục giảm.
Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá ngoại tệ 1% từ ngày 19/6/2014 cũng đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu. Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc, người phát ngôn của Petrolimex cho hay, lượng xăng dầu nhập khẩu của Petrolimex chiếm tới 70%, lượng xăng dầu còn lại mua từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng tính trên cơ sở giá quốc tế và tỷ giá. Vì vậy, khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá ngoại tệ thì tất cả lượng hàng nhập của Tập đoàn xăng dầu đều bị tác động. Tập đoàn đã phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá trong 6 tháng đầu năm 2014.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc, người phát ngôn của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam |
Việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước 6 tháng đầu năm 2014 tương đối linh hoạt bám sát theo Nghị định 84/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 84), tuy nhiên trong quý 1/2014, với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, Liên bộ Tài chính - Công Thương đã không kết cầu đủ lợi nhuận định mức trong giá cơ sở, dẫn đến lãi gộp của mặt hàng xăng dầu đều ở mức thấp. Giải thích cho nguyên nhân này, ông Trần Ngọc Năm thông tin, mỗi lần điều chỉnh giá, Bộ Tài chính đều có thông báo, bao gồm phương án điều hành giá và sử dụng Quỹ bình ổn, v.v… Trên cơ sở đó Petrolimex tính toán được, trong quý I, đối với mặt hàng xăng, bình quân lợi nhuận định mức đạt 63 đồng/lít; dầu diezen là 247 đồng/lít, dầu hỏa là 78 đồng/lít. Sang quý II, trong kết cấu giá cơ sở thì Bộ Tài chính đều đảm bảo đủ lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng dầu. Như vậy, bình quân 6 tháng đầu năm đối với mặt hàng xăng, lợi nhuận định mức kết cấu trong giá cơ sở là 182 đồng/lít, diezen là 273 đồng/lít; dầu hỏa: 190 đồng/lít; dầu mazut: 300 đồng/kg.
Petrolimex cũng cho biết, trong hơn 800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn thì gần 350 tỷ đồng là từ kinh doanh dầu mỡ nhờn, đây là mặt hàng kinh doanh không chịu sự điều chỉnh giá trực tiếp của Nhà nước.
Nộp ngân sách đạt 17.740 tỷ đồng
Mặc dù hoạt động kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng đầu năm 2014 chưa đạt yêu cầu so với kế hoạch đề ra, nhưng chỉ tiêu đóng góp ngân sách Nhà nước của Petrolimex đạt 17.740 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là yếu tố hết sức quan trọng trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn.
Ông Trần Ngọc Năm cũng khẳng định: “Nếu hoạt động kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng cuối năm diễn ra bình thường thì năm 2014, Petrolimex có thể đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 35.000 tỷ đồng”.
Trước những diễn biến khó lường do tình hình bất ổn trên thế giới cũng như những dự báo về kinh tế 6 tháng cuối năm, Petrolimex đã đề ra các giải pháp nhằm hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2014. Trong đó, Petrolimex chú trọng đến việc chủ động đa dạng nguồn nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu bình ổn thị trường trong mọi tình huống; Thực hiện công tác đảm bảo nguồn trên cơ sở tính toán đường vận động hàng hóa tối ưu và đảm bảo mức tồn kho hợp lý, đặc biệt quan tâm công tác đảm bảo nguồn trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, nghiêm túc thực hiện chương trình tiết giảm chi phí, thực hiện tiết giảm bắt buộc ở một số khoản mục chi phí văn phòng, chi phí vận chuyển...; chấp hành giảm tiết giảm chi phí hao hụt khâu nhập khẩu.
Petrolimex cũng quyết tâm triển khai kinh doanh xăng sinh học theo đúng lộ trình tại Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 53), tiến hành đầu tư thiết bị, công nghệ phối trộn tại 5 tỉnh và thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Riêng Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ nhận xăng E5 RON 92 từ Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh). Sau khi lắp đặt, nghiệm thu, chạy thử, kiểm định, hợp quy; công nghệ phối trộn sẽ sẵn sàng vận hành vào cuối tháng 11/2014 để triển khai kinh doanh xăng E5 RON 92 tại 7 tỉnh và thành phố từ ngày 01/12/2014 theo QĐ 53.
Đối với việc triển khai Nghị định mới thay thế Nghị định 84, Petrolimex sẽ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp đối với hệ thống kênh phân phối cũng như chính sách áp dụng đối với từng đối tượng, bao gồm: đại lý, tổng đại l ý, thương nhân phân phối và nhượng quyền thương mại; cũng như phối hợp với Liên bộ dự thảo các Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định mới, trong đó tập trung kiến nghị với Liên bộ về việc tăng chi phí kinh doanh định mức để đưa ngay vào Thông tư hướng dẫn.