Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua kết nối Doanh nghiệp xuất nhập khẩu và Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam nhấn mạnh, ở Việt Nam hiện nay vận tải đường biển đang chịu nhiều bất hợp lý, trong đó bất cập đầu tiên là cước phí. Các hãng tàu lớn của nước ngoài hiện nay thâu tóm đến 90% thị trường, số còn lại là các hãng tàu của Việt Nam. Hiện nay, 1/3 giá cước đi Châu Âu đều tăng khiến cho các DN Việt Nam gặp khó. Hoạt động vận tải ở Việt Nam chỉ mang tính thời vụ, giờ cao điểm các hãng tàu liên kết với nhau để ép giá, điều đó làm cho các DN Việt Nam không kiểm soát được cước phí và phụ phí nên ở thế bị động.
Toàn cảnh Hội nghị |
Bất hợp lý thứ 2 giữa người gửi hàng và chủ tàu là phụ phí. Hiện nay các DN phải chịu từ 15 đến 20 kiểu phí, như phí EBS, phí CFS (các hãng nhận thầu đánh thêm vào, chủ hàng chưa đến, số hàng này sẽ được đánh vào kho để chờ chủ hàng. Hiện nay mức phí này đang áp dụng 110.000 đồng/khối); phí khai báo hải quan trước (áp dụng tại Nhật Bản với mỗi bản khai là 25USD), v.v… Các phí trên khiến cho các DN đã khó lại càng khó.
Từ những bất cập nêu ra, ông Trần Đức Minh nhấn mạnh, vấn đề quan trọng đối với các DN Việt Nam hiện nay là phải nâng cao sức cạnh tranh, tập hợp lực lượng có tiếng nói với Chính phủ, với hãng tàu và khu vực để trở thành một khối thống nhất, bảo vệ quyền lợi của các DN.
Đánh giá về sự liên kết giữa DN với Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam hiện nay, bà Đặng Phương Dung, Cố vấn Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh, Chủ hàng có vai trò quan trọng trong kim ngạch XNK của các DN Việt Nam. Các DN hiện nay đang phải vật lộn với các vấn đề cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, một vấn đề ở mức cảnh báo được đưa ra hiện nay là vấn đề cước vận tải, giao nhận, các khâu của XNK. Các chủ DN chưa chú ý đến khâu này, chỉ đến khi phải kéo dài cước phí, phụ phí tăng lên chóng mặt, bất hợp lý, chồng chéo các DN mới ngỡ ngàng và tìm kiếm đến các Hiệp hội phản ánh đến các cơ quan Nhà nước.
Bà Đặng Phương Dung, Cố vấn Hiệp hội Dệt may Việt Nam (áo đen) phát biểu ý kiến tại Hội nghị |
Chính vì vậy bà Đặng Phương Dung nhấn mạnh, các DN cần có sự nhận thức đúng đắn hơn, cần biết các loại phụ phí, cước phí nằm ở những khâu nào; Cần nhận thức rõ đây không chỉ là công việc từ phía Chính phủ mà là vấn đề mà các DN cần giải quyết.
Bà Dung cũng thẳng thắn chia sẻ, Hiệp hội Chủ hàng hiện nay chưa có hoạt động tới tầm để thu hút các chủ hàng tham gia. Để giúp Hiệp hội phát triển mạnh hơn, đại diện cho tiếng nói của DN thì cần phải nhận thức lại vấn đề, cần sự liên kết, tiếng nói phải là tiếng nói đại diện cộng đồng của các chủ hàng mới có giá trị.
Bên cạnh đó, các DN cần liên kết chặt chẽ hơn, cần có người đại diện cho tiếng nói của DN mới có thể giải quyết vấn đề một cách cơ bản. Để làm được điều đó thì Hiệp hội cần có sự cải thiện, phải chuyển tải được vấn đề của DN và các DN cũng cần tự nâng cao nhận thức của mình.
Để nâng cao vai trò, hiệu quả trong hoạt động của Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam hiện nay, ông Vũ Giao Long, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Phát nhấn mạnh, ở góc độ Nhà nước, Hiệp hội cần có hoạt động tốt hơn trong đảm bảo lợi ích của các thành viên tham gia, có sự liên kết tốt giữa các Hiệp hội trong ngành dọc, nâng cao vai trò vị thế của các thành viên trong Hiệp hội, tham gia liên đoàn các Hiệp hội Chủ hàng trên thế giới như một số nước. Bản thân Hiệp hội cần hoạt động theo hình thức chuyên nghiệp hơn, hiện nay các thành viên chủ yếu vẫn đang kiêm nhiệm, đồng thời phải mở ra các thành viên tập trung, hướng dẫn kết nối hoạt động với các Hiệp hội trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, bản thân các thành viên tham gia cần cử đại diện phát triển chuyên sâu, nâng cao hiểu biết, tiếp nhận các vấn đề mang tính thời sự trong họat động của Hiệp hội. Từng thành viên phải mạnh, có tâm huyết, trình độ, chịu hy sinh mới có được một Hiệp hội mạnh.
Tại Hội nghị, ông Phạm Đình Vũ, Chánh văn phòng công tác Hiệp hội DN của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tại Việt Nam hiện nay có 450 Hiệp hội đang hoạt động. Khảo sát của VCCI từ 78 Hiệp hội trên 448 doanh nghiệp cho thấy năng lực hoạt động của các Hiệp hội ở mức rất thấp. Một số Hiệp hội làm tốt mặt này nhưng lại yếu ở mặt khác, có những Hiệp hội yếu toàn diện. Yếu kém của các Hiệp hội trong khảo sát thể hiện ở nguồn nhân lực (83% thành viên của Hiệp hội là công chức Nhà nước, không qua công tác của DN, chính vì thế hoạt động của Hiệp hội không sát với DN); công tác xúc tiến đầu tư không hoàn thành hay không thực hiện đến nơi đến chốn, v.v...
Từ những hạn chế như vậy, ông Vũ cho rằng, để nâng cao năng lực hoạt động của Hiệp hội cần nêu cao trách nhiệm của hội viên, thể hiện ở chỗ có trách nhiệm trong các hoạt động mà Hiệp hội khởi xướng; tham gia đầy đủ các dịch vụ đào tạo do Hiệp hội tổ chức. Đặc biệt, Chính phủ phải coi trọng hơn nữa vai trò của các Hiệp hội. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần trao quyền cho Hiệp hội cũng như các dịch vụ công liên quan đến DN để hấp dẫn hơn sự tham gia của DN.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu phát biểu kết luận Hội nghị |
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, Hiệp hội có vai trò quan trọng trong hoạt động của DN. Chính vì thế, sự ra đời của Hiệp hội Chủ hàng là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, hiểu biết của các DN về vai trò của Chủ hàng cũng như Hiệp hội Chủ hàng chưa thực sự rộng rãi, vì thế cần nâng cao vai trò của Hiệp hội để Hiệp hội có sức mạnh, mang tiếng nói đại diện cho tiếng nói của DN.
Ông Trần Thanh Hải cũng mong muốn, các DN trong vai trò là Chủ hàng cần xem xét và gia nhập Hiệp hội Chủ hàng, đóng góp vào tiếng nói chung của Hiệp hội Chủ hàng trong thời gian tới..