Hội nghị ngành công thương vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ lần thứ XIV: Nâng cao hiệu quả của hoạt động liên kết vùng
Theo đánh giá tại hội nghị, trong năm 2011 và 7 tháng đầu năm 2012, sản xuất công nghiệp toàn vùng duy trì mức tăng trưởng cao (20,83%). Sản xuất phát triển ổn định đã cung ứng lượng hàng hóa dồi dào cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đáp ứng tốt các nhu cầu việc làm, tiêu dùng và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội. Giảm dần tỷ trọng các ngành công nghiệp thâm dụng lao động giản đơn năng suất thấp, sử dụng nhiều tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Hoạt động xuất khẩu phát triển ở cả khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI, chủ yếu ở các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế biến.
Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế vùng vẫn còn nhiều bất cập và chưa bền vững. Hiệu quả giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp còn thấp, công nghiệp phụ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu, hạ tầng thương mại còn yếu, xuất khẩu tăng cao nhưng nhập siêu vẫn lớn. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, thiếu mặt bằng sản xuất, khó tìm đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, hoạt động liên kết vùng được đặt ra từ lâu nhưng hiệu quả vẫn rất thấp.
Để đạt mục tiêu năm 2012 giá trị sản xuất toàn vùng đạt 514.882,17 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 26,79%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 32.647,96 triệu USD, tăng 17,3% so với năm 2011, hội nghị đã thảo luận rất nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn về vốn, đất sản xuất kinh doanh, thị trường, chính sách cho các doanh nghiệp. Trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp như: hỗ trợ đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng và thực hiện quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển công nghiệp và thương mại, cải tiến cơ chế chính sách về quản lý nhà nước… Đặc biệt là phải cải tiến hoạt động liên kết vùng trong cả lĩnh vực công nghiệp và thương mại để đạt hiệu quả cao nhằm giải phóng hàng tồn kho, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa yêu cầu các Sở Công Thương phải thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp để chỉ đạo xây dựng, điều chỉnh các cơ chế chính sách, quy định và quy hoạch, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Thứ trưởng lưu ý: để hoạt động liên kết vùng không chỉ là khẩu hiệu, các Sở Công Thương phải đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các địa phương nhằm giải quyết hàng tồn kho, tạo ra thị trường khu vực lớn hơn, khai thác được lợi thế và tiềm năng của từng tỉnh để bổ sung cho nhau, qua đó hình thành chuỗi giá trị khu vực. Thứ trưởng nhấn mạnh, các Sở Công Thương trong vùng phải đẩy mạnh công tác tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện nghị quyết 13 nhằm nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho DN, tăng cường XTTM trong và ngoài nước, hướng dẫn DN các thủ tục về giãn, giảm thuế, giải quyết thủ tục hành chính cho DN một cách thuận lợi nhất. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm nâng cao tỷ trọng giá trị gia tăng, giảm tỷ trọng hàng gia công, hàng sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ quy định về quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật.