EVFTA góp phần đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU phát triển ngày càng sâu rộng và thực chất
Việt Nam được coi là hình mẫu hợp tác thành công của EU với khu vực này trong nhiều lĩnh vực quan trọng như thương mại, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…
Việt Nam là quốc gia ASEAN đầu tiên có tất cả khuôn khổ hợp tác về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh với EU; có nhiều cơ chế về hợp tác chuyên ngành, duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao.
Việt Nam và EU hiện có mối quan hệ rất sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Cùng với các cuộc thăm viếng, tiếp xúc cấp cao, hai bên đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác quan trọng, làm nền tảng thúc đẩy quan hệ đối tác, hợp tác ngày càng hiệu quả, thực chất, mang lại lợi ích cho hai bên. Trong đó, Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA), có hiệu lực từ năm 2016, mở ra các cơ chế hợp tác thực chất trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển bền vững, an ninh - quốc phòng, pháp quyền - quản trị, Ngoài Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), hai bên còn có Hiệp định Đối tác tự nguyện về Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA-FLEGT) có hiệu lực tháng 6/2019; Hiệp định khung về hợp tác Quốc phòng - An ninh (FPA) tháng 10/2019; cơ chế Đối thoại nhân quyền hàng năm...
Các khuôn khổ hợp tác trên đây đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia châu Á có quan hệ toàn diện, sâu rộng nhất với EU, và là nước ASEAN duy nhất có tất cả các trụ cột hợp tác với Liên minh này. Hiện có rất nhiều cơ hội và thuận lợi để tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU trong thời gian tới. Cả hai bên đều có lợi ích và đã cùng nhau tạo dựng đầy đủ các khuôn khổ, cơ chế để đẩy mạnh mối quan hệ này.
EU hiện là một trong những đối tác thương mại - đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Liên minh này trong khối ASEAN. EU là thị trường tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản. Dù EU là thị trường khó tính, yêu cầu cao, nhưng với Hiệp định EVFTA, con đường đưa hàng Việt Nam vào thị trường gồm 27 quốc gia thành viên này đã thuận lợi hơn trước.
Sau 3 năm thực thi EVFTA (từ ngày 1/8/2020 đến 1/8/2023), Việt Nam đã xuất sang EU số hàng hóa trị giá gần 128 tỷ USD. Liên minh là một trong những thị trường tiềm năng đối với nông sản Việt Nam. Năm 2022 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt 46,83 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm trước, chiếm 12,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Đặc biệt, mặt hàng gạo, vốn không phải mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang EU nhưng cũng có kim ngạch tăng trưởng đều trong những năm gần đây. Theo cam kết tại EVFTA, EU dành hạn ngạch 80.000 tấn gạo được hưởng mức thuế quan ưu đãi cho Việt Nam mỗi năm. Năm 2022, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đã vượt hạn ngạch, đạt tới 94.510 tấn.
Sau khi EVFTA đi vào thực thi, Việt Nam đã vươn lên thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN và đứng thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào Liên minh này. Đồng thời, EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam.
Trong năm 2022, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các quốc gia thành viên EU vào Việt Nam đạt 27,8 tỷ USD trong 2.308 dự án, đạt 6% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam, đưa EU lên vị trí thứ 6 các đối tác đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam. Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU với những dự án có công nghệ tiên tiến, tạo ra những giá trị và lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.