Doanh nghiệp cần tận dụng tối đa hiệu quả mà Hiệp định VCUFTA mang lại
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu
Phóng viên: Thưa ông, sau 8 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan đã thành công như mong đợi của chúng ta. Vậy, để đạt được những kết quả này, chúng ta đã phải nỗ lực như thế nào?
Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu: Có thể nói rằng, để đạt được kết quả như trên cả hai bên đã có những nỗ lực lớn. Thời gian gần hai năm để đi đến kết thúc được các phiên đàm phán là rất đáng khâm phục. Nỗ lực đến từ cả hai phía để có thể hiểu được nhau, thảo luận, cân bằng lợi ích hai bên và tính đúng, tính đủ, hài hòa được những khác biệt giữa hai phía. Thành công này không chỉ là của hai đoàn đàm phán mà còn của các Bộ, ngành, doanh nghiệp tham gia tham vấn, thể hiện sức mạnh chung, nỗ lực chung đến từ nhiều phía rất đáng khâm phục.
Phóng viên: Hiệp định này có vai trò như thế nào đối với nền kinh tế trong nước cũng như mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa các quốc gia trong Liên minh Hải quan, thưa ông?
Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu, Nạp Tiền 188bet |
Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu: Chúng ta có quan hệ thương mại lâu đời với các nước Liên minh Hải quan trước đây như Liên xô cũ và bây giờ cũng đã có mối quan hệ thương mại rất tích cực với các quốc gia trong Liên minh. Tuy nhiên, mối quan hệ về mặt kinh tế, thương mại này thực sự chưa xứng tầm với mối quan hệ chính trị giữa các quốc gia. Chúng ta với Liên bang Nga có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, với các đoàn viếng thăm cấp cao, các biên bản được kí kết giữa các đoàn. Tuy nhiên, đối với hoạt động thương mại thì giữa hai nước vẫn còn khá khiên tốn. Cá nhân tôi cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do này sẽ là một đòn bẩy tốt cho hai bên tiến hành các hoạt động thương mại, kinh tế xứng tầm với mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan.
Bởi vì nó sẽ tạo ra rất nhiều điều kiện thuận lợi cho điều kiện kinh tế, bao gồm cả các hoạt động thương mại, các hoạt động đầu tư và cả trong hoạt động dịch vụ. Hiệp định Thương mại tự do như vậy sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong Liên minh Hải quan theo hướng tích cực hơn hiện nay gấp nhiều lần. Đây không chỉ là mối quan hệ kinh tế mà còn là mối quan hệ đối tác chiến lược, mối quan hệ chính trị giữa các quốc gia.
Phóng viên: Các doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội như thế nào khi Hiệp định này được ký kết và nhóm ngành hàng nào sẽ được hưởng lợi nhất từ Hiệp định này, thưa ông?
Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu: Trước hết, nói đến Hiệp định Thương mại tự do người ta nghĩ ngay đến việc giảm thuế và Hiệp định VCUFTA cũng mang lại sự giảm thuế đáng kể cho một loạt các mặt hàng hiện nay đang là chiến lược xuất khẩu của chúng ta. Ví dụ có thể nhắc đến là nhóm hàng thủy sản. Nhóm thủy sản trong Hiệp định Thương mại tự do sẽ được hưởng ngay lập tức từ khi Hiệp định được kí kết có hiệu lực. Nhóm thứ hai là nhóm liên quan đến da giày và tất cả mặt hàng của ngành này. Những dòng sản phẩm hiện nay mang tính chủ lực của ngành da giày Việt Nam khi xuất khẩu sang Liên minh Hải quan sẽ được hưởng thuế xuất về 0 ngay lập tức. Nhóm thứ ba là nhóm liên quan đến dệt may. Đối với dệt may, hiện nay, trừ một số dòng nhạy cảm liên quan đến áo khoác mùa đông của nước bạn thì các dòng sản phẩm của chúng ta đang có thế mạnh sẽ được hưởng thuế về 0 ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Thủy sản, da giày, dệt may sẽ hưởng được những ưu đãi rất lớn về thuế. Ngoài ra còn có nhiều mặt hàng chè, gỗ có thể hưởng thuế về 0 ngay lập tức. Theo tính toán của chúng tôi thì có khoảng 85% các loại mặt hàng nằm trong danh mục sẽ hưởng thuế suất về 0. Còn các loại mặt khác sẽ dần điều chỉnh theo lộ trình đã đề ra.
Như vậy chúng ta có lợi thế rất mạnh. Thêm nữa, ngoài lợi ích từ thuế thì Hiệp định còn đem lại một loạt các thỏa thuận thương mại nữa về kiểm tra chất lượng, kiểm dịch sản phẩm (SPS), hàng rào kỹ thuật mà chúng ta đã thống nhất được nhiều nguyên tắc minh bạch, đúng với thông lệ quốc tế. Với những quy tắc như thế, các doanh nghiệp Việt sẽ tránh được rất nhiều rủi ro, bớt tình trạng như thời gian vừa qua, một số mặt hàng cá của chúng ta gặp những vướng mắc với nước bạn về chất lượng. Sau khi Hiệp định được kí kết, mọi sự hợp tác sẽ được thực hiện minh bạch, theo đúng thông lệ quốc tế.
Khi Hiệp định được kí kết, về Liên minh Hải quan, chúng ta có những thuận lợi rất tốt trong lĩnh vực hải quan với những nguyên tắc đem lại sự minh bạch, sự thuận lợi, dễ dàng cho cả hai bên. Trước khi Hiệp định ký kết, chúng ta đã tiến hành trao đổi về việc khai điện tử hải quan giữa các nước trong Liên minh Hải quan. Khi Hiệp định đã được kí kết thì chúng ta sẽ hướng đến những bước trao đổi thường xuyên và sẽ tránh được gian lận thương mại.
Tận dụng tối đa hiệu quả mà Hiệp định VCUFTA mang lại
Phóng viên: Cũng đã có không ít băn khoăn xoay quanh vấn đề xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Nga sẽ gặp khó bởi điều kiện bảo quản hàng hóa của Việt Nam còn hạn chế. Đặc biệt, khi khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và các nước trong Liên minh Hải quan là khá lớn, thì băn khoăn trên càng dễ hiểu. Vậy đối với vấn đề này, chúng ta đã có những tính toán như thế nào, thưa ông?
Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu: Câu hỏi này là rất chính xác vì đúng là chúng ta đang có rất nhiều băn khoăn về hàng nông sản. Rất nhiều hàng nông sản của chúng ta hiện nay là những sản phẩm nông sản được ưa thích trên thị trường bạn nhưng chưa xuất khẩu sang được vì do điều kiện bảo quản của chúng ta. Công nghệ trong bảo quản của chúng ta còn rất nhiều hạn chế. Về vấn đề này thì phải Nhà nước và nhân dân cùng làm. Hiện nay, nhiều doanh trong nước và doanh nghiệp Việt Kiều đang có ý tưởng thành lập kho ngoại quan đặt ở các nước thuộc Liên minh Hải quan và bước đầu là đặt ở Nga. Ý tưởng kho ngoại quan thì được đề cập đến từ rất lâu rồi nhưng chưa thành hiện thực vì xưa nay, phần lớn mọi người nghĩ đến kho ngoại quan là làm bằng Ngân sách Nhà nước vì vậy rất khó khăn. Tuy nhiên, giờ đây chúng tôi đã bàn với các doanh nghiệp, kho ngoại quan sẽ do các doanh nghiệp xây dựng và bài toán kinh tế sẽ rất rõ ràng. Nếu doanh nghiệp thấy có lợi ích và các lợi ích đó các doanh nghiệp có thể chia sẻ nhau được thì kho ngoại quan sẽ hình thành và có thể tồn tại bền vững và có cơ sở để thành lập. Về phía Nhà nước sẽ có những hỗ trợ về mặt chính sách, ví dụ như doanh nghiệp muốn đặt ở 1 thành phố nào thuộc Nga hoặc thuộc các nước Liên minh Hải quan, thì cơ quan chức năng phía Việt Nam có thể làm việc với phía bạn để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về thuế, về đất đai cho kho đó.
Còn chi phí để thành lập kho sẽ do các doanh nghiệp tính toán trên cơ sở lợi nhuận, lợi ích. Với kho ngoại quan được thành lập như vậy thì chúng tôi nghĩ rằng, các mặt hàng nông sản của chúng ta sẽ có cơ hội thuận lợi rất nhiều, bởi vì khi vận chuyển hàng sang nước bạn, doanh nghiệp Việt đã có hệ thống kho bãi để bảo quản lâu và các thủ tục thông quan chúng ta sẽ làm tại đó. Đấy là một trong những sáng kiến có thể giúp cho Việt Nam đưa hàng nông sản xuất khẩu dễ dàng hơn khi Hiệp định Liên minh Hải quan được kí kết.
Tuy nhiên, về công nghệ bảo quản thì chúng ta sẽ phải cải tiến hơn, tôi nghĩ điều này các doanh nghiệp hiểu rất rõ, nên để đón cơ hội như thế này thì rất đáng đầu tư. Tôi nghĩ rằng, cùng với sự hợp tác của Nhà nước, doanh nghiệp, chúng ta sẽ giải quyết dần dần được những khó khăn còn vướng mắc.
Phóng viên: Những thuận lợi mà Hiệp định mang lại cho chúng ta là rất lớn. Vậy còn những khó khăn thì sao? Những rào cản nào chúng ta cần lưu ý và ông có lời khuyên gì đối với các doanh nghiệp để có thể tận dụng tốt cơ hội từ thị trường rộng lớn này?
Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu: Tất nhiên, để tận dụng được tốt Hiệp định này thì có rất nhiều trở ngại. Một trở ngại về thương mại mà chúng ta đã nhắc ở trên chính là khoảng cách địa lý. Đây cũng là một trong những điều cần lưu ý doanh nghiệp khi chúng ta quyết định xuất khẩu sang Liên minh Hải quan. Doanh nghiệp Việt cần phải tìm hiểu thông tin rất kỹ như: đường đi như thế nào, kho bãi ra sao và phương tiện vận chuyển như thế nào.
Chúng tôi cũng đã làm một số nghiên cứu và thấy rằng, hiện nay chuyên chở hàng hóa sang Nga thì đường đi Viễn Đông là ngắn nhất. Tuy nhiên, chi phí đi đường Viễn Đông lại không phải là nhỏ nhất. Lí do là hiện nay hàng của chúng ta sang đó chưa phải là nhiều, chưa phải liên tục. Đây cũng là yếu tố đặt ra cho các doanh nghiệp muốn thâm nhập vào thị trường này thì phải khảo sát tốt thị trường của mình. Phải nghĩ ra các điều kiện khác, khi mà số lượng hàng hóa tăng lên thì chúng ta cần khảo sát các hợp đồng đàm phán chuyên chở, rồi các chủ tàu như thế nào để doanh nghiệp có thể nhìn thấy con đường tốn chi phí ít nhất cho mình.
Thứ hai là khuyến cáo đối với doanh nghiệp Việt Nam, muốn xuất khẩu sang Liên minh Hải quan cũng cần tìm hiểu về các kho, bến bãi, quy định, kiểm định chất lượng sản phẩm hàng hóa của bạn, cũng như trong hải quan thường xuyên thay đổi. Đây cũng là yếu tố mà các doanh nghieiepj nên lưu ý để tìm hiểu và nên tìm hiểu kĩ để tránh những sai sót đáng tiếc.
Điểm thứ ba, mà hiện tại chúng ta đang gặp khó khăn cần phải giải quyết đó là vấn đề thanh toán. Hiện nay, nếu thanh toán bằng đồng đô la thì Nga đang gặp vướng mắc trong các giao dịch liên quan đến đồng đô la. Nếu giao dịch bằng tiền đô sẽ có những khó khăn nhất định, chúng ta chắc chắn phải linh hoạt để nghĩ ra các hình thức giao dịch khác, thậm chí có thể giao dịch bằng đường nội tệ, sau đó quy đổi ra đô la cũng là hướng các doanh nghiệp nên nghĩ đến.
Một điểm nữa chúng tôi cũng muốn lưu ý các doanh nghiệp là mặc dù, trước đây, đã có rất nhiều người học tập tại nước Nga và Liên minh Hải quan. Tuy nhiên, thế hệ trẻ hiện nay chưa biết nhiều về các nước này, nên nếu doanh nghiệp Việt thâm nhập thị trường này thì cũng cần tìm hiểu thêm về phong tục tập quán, khí hậu và những thủ tục liên quan.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.