Chia sẻ kinh nghiệm trong thi tuyển công chức tại Nhật Bản
Trong khuôn khổ hợp tác hỗ trợ cải cách công vụ, công chức giữa Bộ Nội vụ và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Ban (Jica), tới đây, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức buổi Tọa đàm "Trao đổi kinh nghiệm trong công tác tổ chức thi tuyển công chức tại Nhật Bản"
Chương trình sẽ được tổ chức vào sáng thứ Ba, ngày 29/11/2016 tại Khách sạn La Thành, Đội Cấn, Ba Đình Hà Nội với sự tham gia của đại diện chuyên gia Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, đại diện Cơ quan Nhân sự Quốc gia Nhật Bản (NPA); lãnh đạo một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ của một số Bộ, ngành; lãnh đạo Sở Nội vụ của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Được biết, công chức là nghề được yêu thích tại Nhật Bản. Kỳ thi tuyển dụng công chức có “nguyên tắc đối xử bình đẳng” và “nguyên tắc chủ nghĩa kết quả.” Ai cũng có cơ hội (người có đủ tư cách dự thi) tham gia dự thi ở bất kỳ nơi nào trên toàn quốc. Nếu thí sinh trúng tuyển tại kỳ thi này và được tuyển dụng, sẽ có cơ hội thăng tiến công bằng.
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức thi tuyển công chức tại Nhật Bản được tổ chức ở Hải Phòng
Độ tin cậy với kỳ thi tuyển dụng được đặt lên hàng đầu, Viện Nhân sự là cơ quan chuyên môn độc lập đứng ra lập kế hoạch và tổ chức thi. Kỳ thi tuyển dụng của các Bộ, ban, ngành thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương được thực hiện công bằng, thống nhất trên toàn quốc; phòng ngừa sai trái, thiên vị đối với các tỉnh; đồng thời, loại và phân loại kỳ thi tuyển dụng như thi tuyển vị trí tổng hợp, thi tuyển vị trí phổ thông, thi tuyển vị trí chuyên môn…
Thi tuyển công chức tập trung của Nhật Bản và Việt Nam có những điểm tương đồng, đó là có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về công chức và về tổ chức tuyển dụng công chức; thực hiện phân cấp tuyển dụng công chức địa phương; sử dụng hình thức thi như viết, trắc nghiệm khách quan, phỏng vấn (ở Việt Nam, thực hiện trong kiểm tra, sát hạch tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển); các bước cơ bản về tổ chức thi, kỹ thuật thi.
Còn điểm khác nhau cơ bản, ở Nhật Bản đối tượng dự thi dành cho nhiều đối tượng khác nhau (kể cả tốt nghiệp trung học phổ thông, Đại học, Cao học); ở Việt Nam cơ bản dành cho người tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng (ở Hà Nội chỉ tuyển người tốt nghiệp Đại học)...
Quyên Lưu