Anh lên kế hoạch tính thuế carbon, doanh nghiệp Việt cần tăng tốc chuyển đổi năng lượng
Thương vụ Việt Nam tại Anh cho biết, Vương quốc Anh đang tiến hành xây dựng lộ trình xây dựng và triển khai Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM). Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm như gang, thép, nhôm, xi măng, phân bón… cần tăng tốc chuyển đổi năng lượng và từng bước ứng dụng công nghệ phi carbon hóa trong sản xuất.
CBAM - công cụ chính sách mới cho phép đánh thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu có mức phát thải cao
EU đã ban hành Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM) mới với thời gian chuyển tiếp từ 01/10/2023 và có hiệu lực đầy đủ từ 01/01/2026. UK đang tiến hành tham vấn về một Cơ chế tương tự từ ngày 30/3 đến hết ngày 22/6/2023. CBAM sẽ thay thế Cơ chế thị trường phát thải của EU cho giai đoạn 2026 – 2035.
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán Công sứ Việt Nam tại Anh, CBAM là một công cụ chính sách mới của EU cho phép đánh thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu trong các ngành có mức phát thải cao gồm sản xuất gang, thép, nhôm, phân bón, xi măng, điện và hydrogen. Thuế bổ sung này được gọi là thuế carbon và được tính toán dựa trên mức độ phát thải của sản phẩm trong quá trình sản xuất.
Hiện nay, Chính Phủ Anh đang tiến hành lộ trình 5 bước trong xây dựng và triển khai CBAM như: Tham vấn giữa các cơ quan liên quan của Chính phủ với Quốc hội, doanh nghiệp, các tổ chức bảo vệ môi trường, các nhà khoa học và người dân (từ 30/3 – 22/6/2023); thiết kế chính sách bao gồm phạm vi, các mức giá carbon, khu vực và lĩnh vực áp dụng, và các cơ chế tuân thủ; tham vấn và đàm phán với các đối tác thương mại trong WTO để đảm bảo CBAM phù hợp với luật lệ quốc tế; thực hiện các chương trình thí điểm để đánh giá hiệu quả của CBAM và xác định những vấn đề cần cải tiến; CBAM sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn và được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo tính hiệu quả trong việc giảm phát thải và bảo hộ doanh nghiệp và các ngành công nghiệp của Anh quốc.
Ông Nguyễn Cảnh Cường – thông tin, Chính phủ Anh tính thuế carbon dựa trên sàn giá carbon (CPF). CPF là thuế đánh vào việc sử dụng gas và than trong sản xuất điện thông qua việc áp giá tối thiểu trên mỗi tấn khí CO2 phát thải từ các nhà máy điện. Mức giá tối thiểu này bắt đầu được ấn định là 16£/tấn khí CO2 phát thải từ năm 2013 và tăng dần qua các năm theo lạm phát. CPF năm 2020 là 18,8 £/ tấn, năm 2022 là 22£/tấn và được dự báo sẽ tăng lên 39 £ năm vào năm 2030.
Tuy nhiên, giá phát thải carbon trung bình tại Anh năm 2022 đã lên tới 69,15£/tấn. Các mức giá thực tế được xác định trên cơ sở đấu giá hai tuần một lần do ICE Futures Europe tổ chức. Cơ chế đấu giá này bắt đầu vận hành từ 19/05/2021 tại Anh. Giá thực tế không được phép thấp hơn giá tối thiểu do Chính phủ ấn định hàng năm.
Nghiên cứu tác động của CBAM, để thích ứng với sự thay đổi
Có thể nói, xuất khẩu sắt thép, nhôm… được hưởng lợi nhiều từ ưu đãi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) mang lại. Kết quả, trong những năm gần đây xuất khẩu mặt hàng sắt thép các loại tăng trưởng khá cao, thậm chí lên tới 3 con số. Hay với mặt hàng nhôm, theo đại diện Hiệp hội Nhôm Việt Nam, hiện các doanh nghiệp trong Hiệp hội Nhôm Việt Nam đã xuất khẩu được phôi nhôm và các sản phẩm nhôm phục vụ cho xây dựng để xuất khẩu sang Anh quốc. Đây là một thị trường khá khó tính. Tuy nhiên, phải nhận định rằng doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định UKVFTA.
Với những cơ hội mà Hiệp định UKVFTA mang lại, tuy nhiên, trong bối cảnh mới, khi EU chính thức thí điểm cơ chế phát thải carbon mới vào tháng 10 và Anh đang tiến tới lộ trình tính thuế carbon, đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thép, nhôm…
Ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng, mặc dù CBAM sẽ không có tác động đáng kể đối với thương mại trong giai đoạn từ nay đến ngày 01/01/2026, tuy nhiên, trong thời kỳ chuyển tiếp này, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng (điện, gas) và có mức độ phát thải khí nhà kính cao phải chuyển đổi công nghệ để không vấp phải rào cản thuế carbon qua biên giới mới trong tương lai.
Về dài hạn, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm gang, thép, nhôm, xi măng và phân bón của các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi lợi thế cạnh tranh nhờ giá điện rẻ hơn và chi phí bảo vệ môi trường thấp hơn sẽ giảm sút vì chi phí thuế carbon qua biên giới mới phát sinh .
Bên cạnh đó, hiệu quả của các FTAs sẽ ít nhiều suy giảm đối với sản phẩm xuất khẩu của các ngành công nghiệp nói trên. Xu hướng chuyển dịch công nghiệp từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển có thể chững lại sau năm 2026.
Một số ngành công nghiệp tại các nước phát triển có cơ hội phục hồi nhờ công nghệ mới và nhờ được bảo hộ thông qua trợ cấp của Chính phủ và thuế carbon đánh vào hàng nhập khẩu. Các ngành công nghiệp phát thải thấp sẽ có cơ hội tăng trưởng trong khi các ngành công nghiệp phát thải cao sẽ suy giảm. Sản phẩm của các ngành này sẽ có những thay đổi tương ứng. Năng lượng xanh hơn, sạch hơn sẽ dần dần thay thế nhiên liệu hóa thạch và làm thay đổi các ngành sản xuất điện, sản xuất phương tiện vận tải.
Cùng với các chính sách khí hậu khác, CBAM sẽ hạn chế sự phát triển của ngành khai thác than và dầu mỏ.
Trước các chính sách trên, ông Nguyễn Cảnh Cường khuyến nghị, các doanh nghiệp trong các ngành chịu tác động của CBAM cần tăng tốc chuyển đổi năng lượng và từng bước ứng dụng công nghệ phi carbon hóa trong sản xuất;
Cục Công nghiệp và Cục xuất nhập khẩu nghiên cứu tác động của CBAM đối với Chiến lược phát triển công nghiệp và Chiến lược xuất khẩu quốc gia.
Bên cạnh đó, Cục xúc tiến thương mại phối hợp với các Sở Công Thương phổ biến CBAM tới các doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chuyển đổi công nghệ phi carbon hóa để thích ứng với sự thay đổi của thị trường xuất khẩu.