5 điểm nhấn của kinh tế Indonesia tháng 7/2021
IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Indonesia; Đầu tư FDI tăng trong Quý II/2021; Lãi suất cơ bản được tiếp tục giữ ổn định; Thặng dư thương mại của Indonesia sụt giảm; Dự trữ ngoại hối của Indonesia tăng nhẹ. Tất cả những nội dung này có trong bản tin dưới đây của Thương vụ Việt Nam tại Indonesia.
Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới, bản cập nhật tháng 7/2021, Quỹ Tiền tệ quốc tế-IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong năm nay xuống còn 3.9% từ mức 4.3% của dự báo trước đó. Tăng trưởng của năm 2022 tăng nhẹ so với dự báo vào tháng 4/2021 lên 5.9% từ mức 5.8%.
Sự điều chỉnh dự báo của IMF căn cứ vào tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay và tiến độ tiêm chủng vắc-xin của nước này khi mới chỉ đạt được 12% dân số. Indonesia và Ấn độ là hai nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh trong nhóm các nước G20, theo nhận định của IMF.
Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới cho cả năm 2021 và 2022của định chế tài chính toàn cầu này đưa ra tương ứng là 6,0% và 4,9%, không đổi so với dự báo tháng 4/2021; tăng trưởng kinh tế chung của ASEAN-5 (bao gồm Inđô-nê-xi-a; Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Thái Lan và Việt Nam) là 4,3% cho năm 2021 và 6,3% cho năm 2022. Trước đó Ngân hàng phát triển Á châu-ADB cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Indonesia xuốn còn 4.1% trong năm 2021 so với mức dự báo trước đó là 4.5% do tác động của tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay tại Indonesia./.
Đầu tư FDI tăng trong Quý II/2021
Theo Ủy ban điều phối đầu tư của Indonesia, tổng vốn đầu tư vào nền kinh tế trong Qúy 2/2021tăng 16,2%, đạt 223 nghìn tỷ Rp (tương đương 15,7 tỷ USD), trong đó vốn đầu tư trong nước chiếm 47,6% (106.2 nghìn tỷ Rp, tương đương 7,47 tỷ USD) tổng vốn đầu tư, giảm 1,6% so với Qúy 1/2021 và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư nước ngoài chiếm 52,4% tổng vốn đầu tư với 116.8 nghìn tỷ Rp (8,23 tỷ USD), tăng 4,5% so với Q1/2021 và 19,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành sản xuất ô-tô điện (EV) của Indonesia đang nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Xe ô-tô điện của Huyndai motor sản xuất tại Indonesia dự kiến sẽ xuất xưởng vào tháng 2 hoặc tháng 3 năm sau, sớm hơn 01 tháng so với dự kiến vào tháng 4/2022.
Theo Bộ trưởng Bộ Đầu tư Indonesia, Hyundai đã đầu tư US$ 1.55 tỷ, tương đương với 20 nghìn tỷ Rp để xây dựng nhà máy sản xuất xe ở Delta Mas, Cikarang, tỉnh West Java. Đến nay tỷ lệ vốn giải ngân triển khai dự án đã đạt 14 nghìn tỷ Rp (tương đương 70% tổng vốn đầu tư).
Ngày 28/07/2021, Tập đoàn Hyundai, LG Energy Solution và Indonesia Battery Corporation đã ký MOU ghi nhớ về triển khai xây dựng nhà máy pin cho xe ô-tô điện với tổng vốn đầu tư 1,1 tỷ USD với công suất 10 Gigawat hour. Dự án này dự kiến sẽ tạo việc làm cho 1.000 lao động và là một phần trong tổng thể dự án sản xuất pin xe ô-tô điện trị giá 9,8 tỷ USD./.
Lãi suất cơ bản được tiếp tục giữ ổn định
Tại phiên họp của Ủy ban điều hành chính sách tiền tệ quốc gia Indonesia vào ngày 21- 22/7/2021 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Indonesia quyết định tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản (lãi suất mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày) là 3,5% đồng thời tiếp tục giữ nguyên, lãi suất tiền gửi và cho vay đối với các ngân hàng thương mại tại Ngân hàng trung ương tương ứng là 2.25% và 4.25%.
Ngân hàng trung ương Indonesia cũng đã đưa ra dự báo về một số chỉ số kinh tế vĩ mô của nước này trong nửa cuối năm 2021, theo đó, mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 của nước này trong khoảng từ 3.5-4,3%. Tăng trưởng kinh tế trong Qúy 3/2021 sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách hạn chế hoạt động cộng đồng khẩn cấp (chính sách PPKM) khiến cho cầu tiêu dùng sụt giảm. Ngân hàng Trung ương dự báo kinh tế Qúy 4/2021 sẽ tăng trưởng cao hơn Quý 3/2021 nhờ vào sự gia tăng tiêm vắc-xin phòng dịch Covid19, tăng trưởng xuất khẩu mạnh và thực hiện triển khai các gói kích thích hỗ trợ kinh tế.
Về lạm phát, lạm phát cả năm sẽ dao động trong biên độ điều hành là 3+/-1%. Lạm phát 6 tháng đầu năm của nước này ở mức thấp 0,76%, phản ánh cầu tiêu dùng nội địa, động lực chính của tăng trưởng kinh tế nước này, còn yếu do chịu tác động của đại dịch Covid-19./.
Thặng dư thương mại của Indonesia sụt giảm
Theo cơ quan thống kê Indonesia, mức thặng dư thương mại của nước này chỉ đạt 1,32 tỷ USD trong tháng 6/2021, giảm 44% so với mức 2,36 tỷ USD của tháng 5/2021. Tinh chung 6 tháng đầu năm 2021, thặng dự thương mại của Indonesia đạt mức 11,86 tỷ USD. Về xuất khẩu, trong tháng 6/2021 chỉ đạt 18.55 tỷ USD, tăng 9,52% so với tháng 5/2021. Đáng chú ý là xuất khẩu của sản phẩm phi đầu mỏ chỉ tăng 8,45%, đạt mức 17,31 tỷ USD và có mức tăng trưởng thấp hơn tháng 5/2021.
Nhập khẩu tháng 6/2021 đạt 17,23 tỷ USD, tăng 21,03% so với tháng 5/2021, trong đó nhóm hàng phi dầu mỏ tăng 22,66% với giá trị kim ngạch đạt 14,93 tỷ USD trong đó sự gia tăng tập trung chủ yếu vào nhóm hàng vật tư, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất. Tổng giá trị xuất khẩu của Indonesia trong 6 tháng đầu 2021 đạt 102,87 tỷ USD, tăng 54,46% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu trong kỳ đạt 91,01 tỷ USD, tăng 48,08% so cùng kỳ năm trước.
Dự trữ ngoại hối của Indonesia tăng nhẹ
Theo Ngân hàng trung ương Indonesia, dự trữ ngoại hối của nước này tính tới 30/06/2021 đạt 137,09 tỷ USD, tăng từ mức 136,39 tỷ USD của tháng 5/2021. Mức dự này tương ứng với 9,2 tháng nhập khẩu hay 8,8 tháng nhập khẩu và các nghĩa vụ trả nợ khác của chính phủ.
Dự trữ ngoại hối tháng 6/2021 tăng chủ yếu do phát hành trái phiếu ngoại tệ của chính phủ (Global Sukuk) và doanh thu từ thuế, dịch vụ. Đồng Rupi Indonesia chịu sức ép mất giá Đồng Rupi Indonesia trong tháng 7/2021 chịu sức ép mất giá so với đồng USD.
Tỷ giá giao dịch thấp nhất trong kỳ ở mức 14.434,5 Rp/USD và tỷ giá giao dịch cao nhất chạm mức 14.527,5 Rp/USD.
Tính chung tỷ giá giao dịch bình quân trong tháng 7/2021 của đồng Rupi ở mức 14.491,6 Rp/USD, giảm 1,1% so với tháng 6/2021 và giảm 3,4% so với tháng 01/2021.
Theo nhận định của giới chuyên môn, đồng Rupi giảm giá so với đồng USD chủ yếu từ nguyên nhân tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay của Indonesia. Đồng Rupi tiếp tục chịu sức ép nếu tình hình dịch bệnh nghiêm trọng vẫn tiếp tục kéo dài.