Thụy Sĩ tăng nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng
Hàng hóa của Việt Nam mặc dù chiếm tỷ trọng thấp nhưng đang có xu hướng tăng thị phần tại Thụy Sĩ như máy tính, sản phẩm điện tử và quang học; thiết bị điện; quần áo may mặc; sản phẩm cao su và nhựa; da và các sản phẩm liên quan; các sản phẩm bằng gỗ và nứa… đây phần lớn là những mặt hàng mà Thụy Sĩ đang có nhu cầu nhập khẩu
Đối với một quốc gia nhỏ với dân số 8,6 triệu người, Thụy Sĩ là một quốc gia công nghiệp có tính cạnh tranh cao. Ngành công nghiệp sử dụng 20% lực lượng lao động và chiếm 25,6% GDP.
Thụy Sĩ nổi tiếng trên toàn thế giới về sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, bao gồm: đồng hồ, động cơ, máy phát điện, tua-bin và các sản phẩm công nghệ cao đa dạng.
Ngành công nghiệp nặng được thúc đẩy bởi các nhóm xuất khẩu lớn. Đặc biệt, Basel là nơi có ngành công nghiệp hóa chất và dược phẩm rất năng động và phát triển. Nhìn chung, ngành công nghiệp của Thụy Sĩ rất phát triển với các ngành sản xuất chuyên về công nghệ cao, sản xuất dựa trên tri thức.
Ngoài việc phát triển thêm các giải pháp kỹ thuật số và rô bốt thử nghiệm, các công ty ở Thụy Sĩ sở hữu các cơ sở sản xuất hiệu suất cao và đang tối ưu hóa quy trình sản xuất của họ.
Các cơ sở sản xuất tự động hóa cao này dựa vào mạng lưới rộng lớn các nhà cung cấp hiện có, không chỉ hiểu rõ các quy trình sản xuất tiên tiến của nền Công nghiệp 4.0, mà còn đang phát triển các công nghệ đã được thử nghiệm để tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm chi phí.
Thụy Sĩ có cơ sở hạ tầng máy chủ hiện đại, kết nối internet nhanh chóng và nguồn cung cấp điện ổn định. Các công ty Thụy Sĩ đã tự tin chuyển sang sử dụng các công nghệ hiện đại và sớm áp dụng các giải pháp Công nghệ thông tin và truyền thông tiên tiến.
Những điều kiện tối ưu này tạo ra một môi trường lý tưởng cho các công ty toàn cầu thiết lập các cơ sở sản xuất hiệu suất cao tại Thụy Sĩ.
Các công ty như Roche, Novartis, Johnson & Johnson và Syngenta đã xây dựng các cơ sở sản xuất chuyên biệt, góp phần nâng cao danh tiếng của một số ngành công nghiệp tại Thụy Sĩ trên toàn thế giới.
Trong những năm qua, ngành sản xuất công nghiệp của Thụy Sĩ không ngừng tăng trưởng. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của Thụy Sĩ đã tăng liên tục từ năm 2017 đến nay và luôn đạt trên 110 điểm. Riêng trong quý I/2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của Thụy Sĩ đã tăng lên 121,1 điểm. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của Thụy Sĩ tăng là do sự tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực sản xuất.
Tại Thụy Sĩ, lĩnh vực sản xuất là lĩnh vực đại diện cho toàn bộ ngành sản xuất công nghiệp của Thụy Sĩ, với mức tăng trưởng mạnh từ năm 2017 đến nay. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong lĩnh vực sản xuất của Thụy Sĩ đạt trung bình 106,4 điểm năm 2017; năm 2018 đạt 112,2 điểm; đạt mức 117,2 điểm năm 2019.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến chỉ số sản xuất công nghiệp trong lĩnh vực sản xuất của Thụy Sĩ giảm xuống còn 112,6 điểm, tuy vậy, đây vẫn là lĩnh vực có chỉ số sản xuất đạt mức cao nhất so với các lĩnh vực khác của toàn bộ ngành công nghiệp (lĩnh vực khai thác chỉ đạt bình quân 94,9 điểm và lĩnh vực cung cấp điện chỉ đạt 102,2 điểm).
Xét theo mục đích sử dụng, chỉ số sản xuất công nghiệp của các nhóm hàng của Thụy Sĩ cũng đã có sự tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn 2017-2021.
Theo dõi chỉ số sản xuất các nhóm hàng công nghiệp của Thụy Sĩ trong các quý giai đoạn 2017-2021 thấy rằng, có sự tăng trưởng đồng đều trong sản xuất các nhóm hàng là hàng hóa trung gian; nhóm hàng là tư liệu sản xuất; hàng tiêu dùng lâu bền và hàng hóa năng lượng; tuy nhiên, chỉ số sản xuất nhóm hàng hóa là hàng tiêu dùng không lâu bền đã tăng mạnh theo quý qua các năm.
Quý I/2021, bất chấp sự lan rộng của đại dịch Covid-19, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của Thụy Sĩ vẫn tăng ở tất cả các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực khai thác tăng 110,5 điểm chỉ số từ mức 93,6 điểm của quý I/2020; lĩnh vực sản xuất tăng lên 123,7 điểm chỉ số từ mức 117,2 điểm chỉ số; lĩnh vực cung cấp điện tăng lên 105,3 điểm từ mức 103,9 điểm chỉ số của quý I/2020. Trong đó, chỉ số sản xuất nhóm hàng tiêu dùng không lâu bền đạt mức 105,7 điểm trong quý I/2017, tăng lên 113,5 điểm trong quý I/2018 và 122,7 điểm trong quý I/2019.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất nhóm hàng này đã tăng vọt trong quý I/2020 và 2021 đạt lần lượt là 132,3 điểm và 134,8 điểm.
Tại Thụy Sĩ, ngành sản xuất than cốc, hóa chất, các sản phẩm hóa học và ngành sản xuất dược phẩm là hai nhóm ngành thuộc lĩnh vực sản xuất có chỉ số sản xuất đạt trung bình ở mức cao trong giai đoạn 2017-2021, với chỉ số sản xuất các nhóm hàng này đạt lần lượt 113,6 điểm và 118,9 điểm năm 2017 tăng lên 123,3 điểm và 156,8 điểm năm 2020.
Năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19, với nhu cầu hóa chất và dược phẩm tăng lên để phục vụ cho mục đích chống dịch trong nước cũng như xuất khẩu, đã khiến hoạt động sản xuất ở hai nhóm hàng trên tăng mạnh.
Bước sang quý I/2021, khi dịch bệnh vẫn lan rộng và kéo dài, chỉ số sản xuất hai nhóm ngành hóa chất và dược phẩm vẫn duy trì ở mức cao lần lượt là 128,2 điểm và 158,1 điểm. Ngoài ra, nhóm ngành sản xuất các sản phẩm điện tử và đồng hồ của Thụy Sĩ cũng là nhóm hàng thuộc lĩnh vực sản xuất có chỉ số sản xuất tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn 2016-2021.
Hiện số ca mắc Covid-19 tại Thụy Sĩ đang có xu hướng giảm, chiến dịch tiêm chủng đang được Thụy Sĩ tiến hành và sẽ miễn phí… và Thụy Sĩ đang tiến dần đến chính sách nới lỏng giãn cách, điều này sẽ kích thích sản xuất và tiêu dùng của người dân Thụy Sĩ. Đặc biệt, các lĩnh vực tiêu dùng bị hạn chế nghiêm trọng trong một thời gian dài do đại dịch sẽ có những hiệu ứng tăng đáng kể. Điều này sẽ ngày càng tạo điều kiện cho các khu vực của nền kinh tế của Thụy Sĩ sẽ nhanh chóng phục hồi.
Theo thống kê từ Cơ quan Thống kê Thụy Sĩ, nhập khẩu hàng hóa thuộc lĩnh vực sản xuất vào Thụy Sĩ tăng trưởng liên tục trong giai đoạn 2016-2019, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 1%/năm. Trong 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hàng hóa vào Thụy Sĩ đạt 124,3 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020.
Các nhóm hàng hóa nhập khẩu chính vào Thụy Sĩ là kim loại cơ bản, sản phẩm dược phẩm cơ bản và chế phẩm dược phẩm (chiếm 50,8% tổng trị giá nhập khẩu). Trong 5 tháng đầu năm 2021, Thụy Sĩ tăng nhập khẩu các nhóm hàng hóa là máy tính, sản phẩm điện tử và quang học tăng 14,2%; máy móc thiết bị tăng 10,9%; xe cơ giới, rơ moóc và sơ mi rơ moóc tăng 24,8%; quần áo may mặc tăng 15%; sản phẩm kim loại chế tạo, trừ máy móc và thiết bị tăng 17,7%; sản phẩm cao su và nhựa tăng 15,5%; thiết bị vận tải khác tăng 13%; đồ nội thất tăng 31,1%; đồ uống tăng 25,8%; gỗ và các sản phẩm bằng gỗ và nứa, trừ đồ nội thất; các sản phẩm bằng rơm và vật liệu tết bện tăng 16,4%...
Có thể thấy, với thế mạnh về sản xuất trong nhiều lĩnh vực như sản xuất ngành hóa chất, sản xuất dược phẩm và sản xuất hàng điện tử và đồng hồ, Thụy Sĩ đã đẩy mạnh sản xuất các nhóm hàng này trong thời gian qua, điều này khiến Thụy Sỹ đẩy mạnh nhập khẩu các hàng hóa là nguyên liệu sản xuất cho các lĩnh vực trên như sản phẩm điện tử, hóa chất và sản phẩm hóa chất, máy móc thiết bị…
Bên cạnh đó, trong 5 tháng đầu năm 2021, Thụy Sĩ cũng đẩy mạnh nhập khẩu các nhóm hàng như sản phẩm thực phẩm, đồ uống, quần áo, đồ nội thất, sản phẩm cao su và nhựa… Đây đều là những mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu.
Tỷ trọng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam của Thụy Sĩ vẫn ở mức thấp, chưa tới 1%. Tuy vậy, một số nhóm hàng hóa của Việt Nam mặc dù chiếm tỷ trọng thấp nhưng đang có xu hướng tăng thị phần tại Thụy Sĩ như máy tính, sản phẩm điện tử và quang học; thiết bị điện; quần áo may mặc; sản phẩm cao su và nhựa; da và các sản phẩm liên quan; các sản phẩm khoáng phi kim loại khác; gỗ và các sản phẩm bằng gỗ và nứa, trừ đồ nội thất; các sản phẩm bằng rơm và vật liệu tết bện… đây phần lớn là những mặt hàng mà Thụy Sĩ đang có nhu cầu nhập khẩu. Do đó, cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Thụy Sĩ là rất lớn. Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Thụy Sĩ, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đến các yêu cầu đối với những sản phẩm chất lượng, có trách nhiệm xã hội và môi trường của người dân Thụy Sĩ.