Thúc đẩy sử dụng năng lượng có trách nhiệm và hiệu quả
Pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả khá phong phú trên thế giới. Nhiều quy định mới liên tục được ban hành khi các quốc gia tìm cách giảm mức tiêu thụ năng lượng cũng như giảm thiểu những tác động đến môi trường.
Mẫu số chung
Mặc dù có khác nhau giữa các quốc gia nhưng nhìn chung các luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên thế giới vẫn có nhiều mẫu số chung. Thông thường, các yếu tố phổ biến được đưa vào luật có thể kể đến như tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng, quy chuẩn xây dựng, ghi nhãn và chứng nhận, các chương trình tiết kiệm năng lượng, tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng, quy định về hiệu quả công nghiệp, mục tiêu năng lượng tái tạo, mục tiêu phát thải, tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu, hệ thống quản lý năng lượng…
Nguồn: ITN
Trước hết về tiết kiệm năng lượng, nhiều quốc gia thiết lập các tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng cho nhiều sản phẩm và thiết bị khác nhau, chẳng hạn như bóng đèn, hệ thống sưởi, làm mát và các loại xe. Các tiêu chuẩn này đặt ra những yêu cầu tối thiểu về hiệu suất năng lượng, đồng thời khuyến khích phát triển, áp dụng các công nghệ hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, luật nhiều nước cũng đặt ra các quy chuẩn và tiêu chuẩn năng lượng xây dựng, trong đó quy định các yêu cầu về hiệu quả năng lượng đối với công trình xây dựng mới và cải tạo. Các luật thường chỉ định các hệ thống cách nhiệt, chiếu sáng, sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí (HVAC) và các yếu tố khác để giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà.
Tương tự, nhãn năng lượng, giống như nhãn Energy Star ở Mỹ, cũng được sử dụng để xác định các sản phẩm và tòa nhà tiết kiệm năng lượng. Những nhãn này giúp người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn sáng suốt, đồng thời khuyến khích các nhà sản xuất và xây dựng cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.
Nhiều Chính phủ và các cơ quan công quyền còn thường triển khai các chương trình tiết kiệm năng lượng để thúc đẩy hoạt động và công nghệ tiết kiệm năng lượng. Các chương trình đó có thể bao gồm ưu đãi tài chính, giảm giá và hỗ trợ kỹ thuật để khuyến khích nâng cấp hiệu quả năng lượng trong gia đình và doanh nghiệp. Thậm chí, tại một số thành phố trên thế giới, giới chức yêu cầu các tòa nhà thương mại lớn tiết lộ việc sử dụng và hiệu suất năng lượng của họ, nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính trong môi trường xây dựng.
Ngoài ra, các quy định về hiệu quả công nghiệp cũng được đưa vào luật ở nhiều nơi, theo đó yêu cầu các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong các quy trình công nghiệp, chẳng hạn như kiểm toán năng lượng, nâng cấp thiết bị và cải tiến quy trình để giảm mức tiêu thụ năng lượng trong sản xuất và các lĩnh vực khác. Thậm chí, một số quy định yêu cầu các cơ sở thương mại và công nghiệp lớn hơn phải triển khai hệ thống quản lý năng lượng để giám sát và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng.
Các nước cũng thường đặt ra tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu cho phương tiện giao thông nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực giao thông vận tải. Những tiêu chuẩn này có thể thúc đẩy những tiến bộ công nghệ trong thiết kế phương tiện và thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu thay thế.
Đặc biệt, các mục tiêu năng lượng tái tạo và mục tiêu phát thải được chú trọng đưa vào các luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nhiều quốc gia đặt ra mục tiêu đầy tham vọng và khuyến khích năng lượng tái tạo để thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn, như năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Bên cạnh đó, các quốc gia có thể thiết lập các mục tiêu giảm phát thải, gián tiếp khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả bằng cách giảm nhu cầu sản xuất và tiêu thụ năng lượng, giúp chống biến đổi khí hậu...
Quy định của mỗi quốc gia
Ở Mỹ, đạo luật Chính sách năng lượng (EPA) năm 2005 đã đưa ra một loạt quy định nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả. Nó bao gồm các quy tắc xây dựng tiết kiệm năng lượng, tiêu chuẩn thiết bị, ưu đãi thuế cho việc cải thiện nhà ở tiết kiệm năng lượng và thiết lập Chương trình Khuyến khích sản xuất phương tiện công nghệ tiên tiến nhằm thúc đẩy phát triển các phương tiện tiết kiệm nhiên liệu.
Trong khi đó, Đức đưa ra biểu giá điện hỗ trợ (FiT-Feed-in Tariff), theo đó triển khai hệ thống giá điện đầu vào để thúc đẩy năng lượng tái tạo và hiệu quả sử dụng năng lượng. Hệ thống này bảo đảm các khoản thanh toán cố định cho điện được tạo ra từ các nguồn tái tạo, như năng lượng mặt trời và gió. Vì vậy, nó đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy lắp đặt năng lượng tái tạo.
Tại đất nước mặt trời mọc, đạo luật Bảo tồn năng lượng (ECA), được ban hành lần đầu tiên vào năm 1979 và sau đó được sửa đổi, đặt ra nghĩa vụ cho các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo tồn năng lượng và giảm tiêu thụ năng lượng. Nó đòi hỏi các cơ sở lớn phải tiến hành kiểm toán năng lượng và báo cáo về những nỗ lực tiết kiệm năng lượng của họ.
Kế hoạch hành động quốc gia (NEEAP) của Vương quốc Anh lại vạch ra chiến lược nhằm đạt được các mục tiêu tiết kiệm năng lượng. Nó bao gồm các biện pháp cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của gia đình, công trình công cộng và ngành công nghiệp cũng như các mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng.
Tương tự, mục tiêu hiệu quả năng lượng quốc gia (NEET) của Australia hướng tới mục đích giảm mức tiêu thụ năng lượng bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp và người tiêu dùng áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng hơn. Chương trình này khuyến khích nâng cấp thiết bị tiết kiệm năng lượng và các biện pháp hiệu quả khác.
Hàn Quốc thì yêu cầu chủ sở hữu tòa nhà dán nhãn hiệu quả năng lượng của tòa nhà, giúp người thuê hoặc người mua tiềm năng đưa ra quyết định sáng suốt về mức tiêu thụ năng lượng và chi phí. Đất nước kim chi cũng khuyến khích việc áp dụng các biện pháp xây dựng tiết kiệm năng lượng.
Thái Lan đã ban hành Đạo luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tập trung vào các biện pháp tiết kiệm và hiệu quả năng lượng cho các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dân cư. Nó bao gồm dán nhãn năng lượng, tiêu chuẩn cho thiết bị và yêu cầu quản lý năng lượng đối với người tiêu dùng năng lượng lớn.
Canada đưa ra Tiêu chuẩn Năng lượng sạch yêu cầu một tỷ lệ phần trăm sản lượng điện nhất định phải đến từ các nguồn tái tạo và ít carbon. Tiêu chuẩn trên giúp giảm lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất năng lượng của đất nước.
Ấn Độ thực hiện Chỉ thị về hiệu quả năng lượng, bao gồm các chương trình PAT (Perform, Achieve, and Trade - Thực hiện, Đạt được và Thương mại) cho các ngành sử dụng nhiều năng lượng để khuyến khích tiết kiệm năng lượng và trao đổi chứng chỉ tiết kiệm năng lượng dựa trên thị trường.
Tương tự, Trung Quốc có Chỉ thị về hiệu quả năng lượng đặt ra các mục tiêu giảm cường độ sử dụng năng lượng cho các lĩnh vực khác nhau, đồng thời khuyến khích các công nghệ và thực hành tiết kiệm năng lượng thông qua trợ cấp, khuyến khích và quy định.