Khởi động chuỗi chương trình đào tạo "Thực hành hiệu quả năng lượng" 2023
Từ ngày 26 - 29/09/2023, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ đã tổ chức thành công Hội thảo khởi động chuỗi Chương trình đào tạo “Thực hành hiệu quả năng lượng” 2023.
Chương trình nằm trong khuôn khổ Đối thoại Năng lượng Việt – Đức do Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu CHLB Đức (BMWK) tài trợ nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên trẻ thực hành nhận diện cơ hội tiết kiệm năng lượng tại nơi làm việc. Hội thảo là phần mở đầu trong chương trình đào tạo gồm 3 phần về thực hành hiệu quả năng lượng.
Ảnh: GIZ
Theo đó, trong 4 ngày tham gia hội thảo, các học viên đã được trang bị kiến thức nền tảng về HQNL, bao gồm các văn bản pháp luật chính liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Hệ thống Quản lý năng lượng (QLNL), cũng như các phương pháp, công cụ để phân tích, đánh giá hệ thống sử dụng năng lượng trong công nghiệp.
Bên cạnh đó, học viên cũng được hướng dẫn các phương pháp riêng khi ứng dụng hiệu quả năng lượng vào từng lĩnh vực cụ thể, như trong hệ thống chiếu sáng, hệ thống điện, hệ thống bơm, quạt, máy nén khí, hay hệ thống điều hòa không khí, v.v. Từ đó, học viên có thể xây dựng kế hoạch hành động phù hợp cho doanh nghiệp của mình nhằm giảm thiểu lượng điện tiêu thụ và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng tại đơn vị.
Trong chương trình, các học viên đã có cơ hội thực hành với hệ thống bơm quạt và hệ thống nhiệt, lạnh công nghiệp tại trường ĐH Bách khoa TP. HCM thông qua hoạt động chạy thử hệ thống, đo đạc và phân tích các thông số để đánh giá về hiệu quả sử dụng năng lượng trên các hệ thống này.
Sau Hội thảo này, các học viên sẽ bắt đầu triển khai dự án thực tế tại chính tổ chức, doanh nghiệp của mình với sự hướng dẫn từ xa của các giảng viên. Dự kiến các học viên sẽ có buổi thuyết trình về dự án và nhận giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo vào cuối tháng 10 tới đây.
Chương trình đào tạo “Thực hành Hiệu quả năng lượng” 2023 đã thu hút gần 30 học viên tham gia, là cán bộ, nhân viên từ các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế đang hoạt động trong ngành năng lượng như Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng điện 3 (PECC3), Tổ chức Bremeninvest GmbH, Công ty CALOFIC (trực thuộc tập đoàn Wilmar), công ty TBS An Giang, công ty SAITEX, cùng với các tổ chức và cá nhân khác. Chương trình là một phần trong các hoạt động hỗ trợ khu vực tư nhân kết nối và phát triển các kỹ năng cần thiết cho chuyển dịch năng lượng trong tương lai.