Xuất khẩu sang Ai Cập tăng trưởng trở lại
Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ai Cập đã giảm mạnh tới 25,4% so với năm 2012 – từ mức 297,1 triệu USD xuống mức 221,6 triệu USD. Nguyên nhân là do những bất ổn chính trị tại quốc gia này. Kể từ cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Morsi vào tháng 7 năm 2013, nền kinh tế của Ai Cập đã chịu nhiều ảnh hưởng, dự trữ ngoại tệ của Ai Cập đã giảm 50% so với năm 2011 còn 17 tỷ USD. Việc thiếu hụt ngoại tệ khiến các doanh nghiệp Ai Cập gặp rất nhiều khó khăn trong thanh toán nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, các ngân hàng đã ngừng bán USD ra thị trường, doanh nghiệp phải mua USD tại thị trường tự do với mức chênh lệch cao. Kể từ sau khi lật đổ Tổng thống, tướng Abdel Fattah al-Sisi đứng đầu phe quân đội đã áp dụng các biện pháp cứng rắn nhằm bình ổn tình hình chính trị nhiều chia rẽ tại Ai Cập.
Từ đầu năm 2014, sự khan hiếm ngoại tệ của doanh nghiệp đã phần nào được giải tỏa, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Ai Cập như thủy sản, hạt tiêu vẫn giữ vững vị trí và lấy lại đà tăng trưởng. Điều này giúp tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Ai Cập đạt mức tăng trưởng khá – trên 30% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch mặt hàng xuất khẩu sang Ai Cập 4 tháng đầu năm 2014 và ước tính 5 tháng
Đơn vị: USD
Trong 5 tháng đầu năm 2014, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ai Cập là: hàng thủy sản (ước đạt 26 triệu USD, tăng 4% so với cùng kì năm trước), hạt tiêu (ước đạt 21 triệu USD, tăng 15%), xơ, sợi dệt (16 triệu USD, tăng 29%). Một số mặt hàng công nghiệp nặng cũng đạt kim ngạch xuất khẩu cao sang thị trường này: máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (ước đạt 7,4 triệu USD), phương tiện vận tải và phụ tùng (ước đạt 7,2 triệu USD),v.v…
Cùng với sự đắc cử Tổng thống của ông Sisi vào ngày 3/6 vừa qua với tỉ lệ phiếu áp đảo 96%, tình hình chính trị của Ai Cập được kì vọng sẽ dần ổn định trở lại, nền kinh tế sẽ bước vào giai đoạn tái thiết sau xung đột. Với những dấu hiệu phục hồi khả quan trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam – Ai Cập có thể sẽ đạt mức tăng trưởng dương trong năm nay, đưa Ai Cập quay trở lại vị trí thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam tại Châu Phi.