Xuất khẩu của Việt Nam sang Canada những năm gần đây
Tình hình hợp tác thương mại
Xuất khẩu của Việt Nam sang Canada những năm gần đây:
(Nguồn Hải quan Việt Nam)
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Canada vẫn là các mặt hàng truyền thống có lợi thế như: dệt may (chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Canada – số liệu năm 2012), giầy dép (11,5 %), thủy hải sản (11,3 %), hạt điều (4,4%), đồ gỗ và sản phẩm gỗ (9,7%).
(Nguồn Hải quan Việt Nam)
Năm 2013, xuất khẩu sang Canada đạt 1,54 tỷ USD tăng 33,82% so với năm 2012. Các mặt hàng xuất khẩu chính vẫn là: dệt may (chiếm 25,27% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Canada), giầy dép (10,41 %), thủy hải sản (11,67 %), hạt điều (3,94%), đồ gỗ và sản phẩm gỗ (7,63%).
(Nguồn Hải quan Việt Nam)
Xuất khẩu của Việt Nam sang Canada năm 2014 vượt ngưỡng 2 tỷ USD khoảng hơn 2,08 tỷ USD tăng khoảng 35 % so với năm 2013. Các mặt hàng xuất chủ lực cụ thể như sau:
Dệt và may (492 triệu USD chiếm 23,6% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Canada) tỷ trọng giảm so với 2013; thủy sản (263 triệu USD chiếm 12.6%) tỷ trọng tăng so với 2013;
Máy tính và linh kiện điện tử gồm điện thoại, cáp điện, cáp quang, thiết bị viễn thông tin học (210 triệu USD chiếm 10% );
Giầy dép các loại (188 triệu USD chiếm 9%) tỷ trọng giảm so với 2013; gỗ và các sản phẩm gỗ (154 triệu USD chiếm 7,4%) tỷ trọng tăng không đáng kể so với năm trước; phương tiện vận tải, phụ tùng (125 triệu chiếm 6%);
Nông sản như hạt điều (72 triệu USD chiếm 3,4%); Café (15 triệu USD); hạt tiêu (11 triệu USD); hàng rau quả (17 triệu USD chiếm 0,8 % tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada).
Túi sách, ví vali mũ ô dù, túi đựng đồ thể thao cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất khá cao (51 triệu USD chiếm 2,4%).
(Nguồn Hải quan Việt Nam)
Dự kiến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada sẽ tăng khoảng 40% so với năm 2014 đạt mức 2,88 tỷ USD.
Nhập khẩu từ Canada những năm gần đây (nguồn Hải quan Việt Nam)
Kim ngạch xuất khẩu của Canada vào Việt Nam còn thấp. Năm 2013, nhập khẩu từ Canada đạt 406 triệu USD giảm 11,7% so với năm 2012 (theo số liệu Hải quan Việt Nam). Mặt hàng Việt Nam nhập từ Canada chủ yếu vẫn là thủy sản (3,2%); lúa mỳ (11,1%); phân bón các loại (22,9%); đá quý (9,1%); máy móc phụ tùng (9,6%) và thức ăn gia súc chiếm (4,2%).
Năm 2014 nhập khẩu của Việt Nam từ Canada đạt 386,5 triệu USD giảm 5 % so với năm 2013 chủ yếu vẫn là Máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng (63 triệu USD chiếm 16,3%); phân bón các loại 55 triệu USD(14,2%); đá quý, kim loại quý và sản phẩm: 45 triệu USD (11,6%); thức ăn gia súc và nguyên liệu 36 triệu USD(9,8%); đậu tương 38 triệu USD (9,8%); lúa Mỳ 22 triệu USD (5,6%); hàng thủy sản 19 triệu USD(4,9%); ô tô nguyên chiếc 5,9 triệu (1,55%).
Nhận định chung: Trong thương mại song phương, Việt Nam luôn xuất siêu sang Canada với xu thế kim ngạch năm sau cao hơn năm trước. Hàng hoá có xuất xứ Việt Nam nhập khẩu vào Canada hiện vẫn đang được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GPT) / (GSP) của Canada. Tương tự, hàng hoá có xuất xứ Canada xuất sang Việt Nam được hưởng chế độ thuế tối huệ quốc (MFN). Vị thế thương mại của Việt Nam ở thị trường Canada trong những năm gần đây liên tục được cải thiện.
Doanh nghiệp Canada ngày càng quan tâm nhiều hơn tới các sản phẩm của Việt Nam nhằm đa dạng hóa nguồn cung thay thế dần các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể trong thời gian gần đây có xu hướng chuyển sang nhập khẩu từ Việt Nam: Đồ chơi trẻ em, may mặc, cơ khí, địa tử , cửa kính khung nhôm, văn phòng phẩm;
Canađa tập trung buôn bán với một số đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản ... Ở Châu Á, ngoài Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, các doanh nghiệp Canada còn quan tâm đến thị trường Thái Lan, Philippines và Singapore nhiều hơn so với Việt Nam.
Hệ thống luật thương mại của Canada tương đối phức tạp. Hàng nhập khẩu vào Canada phải chịu sự điều tiết của luật liên bang và luật nội bang. Các luật này nhiều khi không thống nhất (nhất là đối với bang Québec). Trong khi đó sự am hiểu về luật của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn nhiều hạn chế.
Canada là một trong số những nước có hệ thống kiểm soát chất lượng vào loại chặt chẽ nhất trên thế giới, đặc biệt là đối với hàng thực phẩm nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài yêu cầu về chất lượng nói chung, yêu cầu về bao bì đóng gói, ký mã hiệu, ngôn ngữ ghì trên bao bì... cũng hết sức nghiêm ngặt và phức tạp.
Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng ít chú trọng đến thị trường Canada mà chủ yếu tập trung vào thị trường Mỹ, đồng thời chưa thấy hết được tính thống nhất của thị trường Bắc Mỹ nói chung.
Cho đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chưa tiếp cận được các kênh phân phối lớn của Canada, rất nhiều mặt hàng đã có mặt tại Canada nhưng phải qua công ty trung gian của nước thứ ba.
Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada thường gặp những trở ngại trong khâu thanh toán. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam thường yêu cầu thanh toán theo phương thức tín dụng L/C không hủy ngang, thanh toán ngay khi xuất trình đầy đủ bộ chứng từ phù hợp với qui định trong L/C cho ngân hàng. Tuy nhiên các doanh nghiệp Canada thích sử dụng phương thức thanh toán khác như D/P (nhờ thu trả ngay- Documents agaist Payment), D/A (Nhờ thu trả chậm - Documents agaist acceptance)... để đỡ tốn kém và ít rủi ro hơn. Đây là thói quen thanh toán của các doanh nghiệp Bắc Mỹ nói chung; nhất là đối với hàng thực phẩm, các doanh nghiệp Canada chỉ chấp nhận thanh toán khi có sự đồng ý cho phép nhập khẩu của Cục Kiểm tra Thực phẩm Canada (CFIA).
Tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Canada chưa cao do các yếu tố về giá cả, mẫu mã, chất lượng và khoảng cách địa lý.
Với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm khoảng gần 500 tỷ đô la Mỹ, Canada là một thị trường hết sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới kể cả đối với doanh nghiệp Việt Nam. Sự hấp dẫn này cũng đồng nghĩa với sự cạnh tranh rất khốc liệt. Kim ngạch của Việt nam xuất sang Canada năm 2013 chỉ chiếm 0,34 % tổng nhập khẩu của nước này (471 tỷ USD theo Cia factbook). Canada là thị trường nhiều tiềm năng với Việt Nam, chính vì vậy ta cần có những biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ trong giai đoạn này để tăng kim ngạch thương mại hai chiều tương xứng với kỳ vọng của hai nước.
Khó khăn, thách thức
- Tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Canada chưa cao do rất nhiều yếu tố. Cho đến nay, Việt Nam và Canada chưa có tuyến vận tải đường biển cũng như hàng không trực tiếp, hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước đều phải chuyển tải qua nước thứ ba. Do vậy, giá cước vận tải hàng hóa giữa hai nước bao giờ cũng cao hơn, thời gian vận chuyển lâu hơn so với từ nhiều nước khác trong khu vực.
- Rào cản phi thuế quan: Các mặt hàng hạn chế nhập khẩu, nhập khẩu có điều kiện của Canada: Hầu hết các mặt hàng nằm trong nhóm này đòi hỏi phải có giấy phép, và giấy phép đó chỉ được cấp khi có đơn hợp lệ được xuất trình cho Cục Kiểm soát xuất nhập khẩu Canada .
- Hạn ngạch và hạn ngạch thuế quan: Canada áp dụng hạn ngạch và hạn ngạch thuế đối với một số sản phẩm nông nghiệp và hàng dệt may. Việc sản suất các sản phẩm sữa, gà, gà tây, trứng hiện bị quản lý về nguồn cung, mục đích chính là để hài hòa tổng cung với nhu cầu trong nước hay thực thi nghĩa vụ trong cam kết quốc tế. Các nhà sản xuất phải mua hạn ngạch sản xuất để tham gia vào thị trường nội địa. Những sản phẩm bị quản lý nguồn cung này chiếm khoảng 25% tổng thu từ nông nghiệp. Tính hiệu lực của hệ thống quản lý này tùy thuộc vào những biện pháp hạn chế nhập khẩu, trong đó chủ yếu là hạn ngạch thuế quan.
- Rào cản thuế quan: Chỉ có Chính quyền Liên bang mới có quyền thu thuế đối với hàng hóa nhập khẩu vào Canada. Tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Canada phải báo cáo với Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA), là cơ quan liên bang chính chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ các qui định pháp lý thương mại, biên giới và thuế.
- Gần đây có thêm thay đổi về chính sách ảnh hưởng tới quan hệ thương mại song phương như:
+ Ngày 21/7/2014 CBSA đã chính thức thông báo khởi xướng điều tra cáo buộc 09 nước trong đó có Việt nam bán phá giá và trợ cấp đối với ống thép dẫn dầu (OCTG) vào Canada.
+ Ngày 21/11/2014, Cơ quan quản lý thực phẩm Canada (Canada Food Inspection Agency - CFIA) đã tổ chức cuộc họp cung cấp thông tin về hiện đại hóa các quy định quản lý an toàn thực phẩm (Food Regulatory Modernization) của Canada. Dự kiến các quy định mới này sẽ được triển khai từ tháng 6/2015 và chắc chắn sẽ gây khó khăn hơn cho việc xuất khẩu các loại thực phẩm, nông sản của Việt Nam vào Canada trong thời gian tới.
Một số vấn đề cần thúc đẩy thị trường trong thời gian tới
Đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương. Đẩy mạnh công tác đàm phán TPP nhằm tự do hóa thương mại, thúc đẩy xuất nhập khẩu của doanh nghiệp 2 nước.
Trong các lĩnh vực hợp tác nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Canada, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến các hoạt động trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch và mong muốn bên cạnh các hội thảo và chương trình giới thiệu công nghệ, hai bên có các hoạt động hợp tác cụ thể mà qua đó Canada sẽ giúp ASEAN xây dựng năng lực để có thể tiếp nhận các công nghệ năng lượng sạch cho mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững. Việt Nam cũng hy vọng đây tiếp tục là một nội dung ưu tiên trong Kế hoạch làm việc triển khai Tuyên bố chung về Thương mại và Đầu tư ASEAN-Canada giai đoạn 2016-2020 mà hai bên sẽ xây dựng.
Cần xem xét về các đề xuất, khuyến nghị nhằm gia tăng cơ hội và cải thiện môi trường kinh doanh trong ASEAN của Hội đồng kinh doanh ASEAN-Canada, đặc biệt là đề xuất Nền tảng chuỗi cung ứng ASEAN.
Tăng cường cơ chế trao đổi thông tin cấp Chính phủ, xử lý các rào cản thương mại và các vấn đề vướng mắc khác
Thành lập Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Canada để thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại giữa hai nước lên mức kỳ vọng xứng với tiềm năng; xử lý vướng mắc trong quan hệ thương mại, hạn chế các rào cản thương mại (thuế quan, phi thuế quan), các biện pháp kỹ thuật.