Xuất khẩu cao su Việt Nam năm 2013: Vẫn tăng trưởng mặc dù giá xuất khẩu giảm
Lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2013 đạt 1,1 triệu tấn với kim ngạch đạt 2,5 tỷ USD, so với năm 2012 tăng 5,2% về lượng nhưng về kim ngạch lại giảm 12,9% do giá xuất khẩu giảm mạnh trong năm qua. Giá xuất khẩu bình quân năm 2013 giảm tương đối so với năm 2012 (khoảng 17,2%, tương đương giảm 479 USD/tấn), chỉ đạt 2.316 USD/tấn, trong khi đó, vào giai đoạn hoàng kim (năm 2011), giá cao su xuất khẩu ở mức rất cao, bình quân gần 4.000 USD/tấn. Nguyên nhân chính khiến giá cao su giảm sâu trong năm 2013 là do nguồn cung cao su thiên nhiên tiếp tục vượt cầu, bên cạnh đó khủng hoảng nợ công châu Âu kéo dài làm suy yếu nền kinh tế của khu vực này, dẫn tới thu hẹp mức tiêu thụ cao su của ngành sản xuất lốp xe và một số ngành công nghiệp khác. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế chậm lại ở những quốc gia tiêu thụ nhiều cao su như Trung Quốc, Ấn Độ cũng khiến nhu cầu sụt giảm.
Lượng và giá cao su xuất khẩu của Việt Nam năm 2013 theo từng tháng
Năm 2013 | Lượng (ng. tấn) | Giá XK (USD/tấn) | Kim ngạch (tr. USD) |
Tháng 1 | 69.9 | 2733.1 | 191.1 |
Tháng 2 | 31.0 | 2779.2 | 86.1 |
Tháng 3 | 50.5 | 2547.1 | 128.5 |
Tháng 4 | 43.4 | 2554.1 | 110.7 |
Tháng 5 | 71.8 | 2371.9 | 170.4 |
Tháng 6 | 83.0 | 2261.4 | 187.7 |
Tháng 7 | 121.9 | 2184.3 | 266.3 |
Tháng 8 | 106.6 | 2174.6 | 231.8 |
Tháng 9 | 117.6 | 2256.2 | 265.4 |
Tháng 10 | 110.9 | 2214.3 | 245.6 |
Tháng 11 | 118.6 | 2205.7 | 261.5 |
Tháng 12 | 126.2 | 2183.3 | 275.6 |
Về thị trường xuất khẩu, sự tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế thế giới đã khiến thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam bị thu hẹp so với các năm trước. Cụ thể, trong năm 2013, mặt hàng cao su của Việt Nam được xuất khẩu tới 73 thị trường khác nhau trên thế giới, giảm 5 thị trường so với năm 2012.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, lượng xuất khẩu năm 2013 đạt 507,1 nghìn tấn với kim ngạch 1,4 tỷ USD (tăng 3,0% về lượng nhưng giảm 14,3% về kim ngạch so với năm 2012). Lượng cao su xuất khẩu sang thị trường này chiếm 47,0% tổng lượng cao su xuất khẩu cảu cả nước. Tiếp theo là thị trường Ma-lai-xi-a (chiếm 21%) với lượng xuất khẩu đạt 223,6 nghìn tấn, kim ngạch 517,9 triệu USD (tăng 11,6% về lượng, giảm 8,2% về kim ngạch); thị trường Ấn Độ đạt 86,4 nghìn tấn (tăng 20,6% về lượng); thị trường Hoa Kỳ đạt 28,9 nghìn tấn (tăng 23,4% về lượng); thị trường Thổ Nhĩ Kỳ đạt 16,2 nghìn tấn (tăng 16,3%), v.v... Đáng chú ý trong năm 2013, lượng cao su xuất khẩu sang một số thị trường như Băng-la-đét, Bê-la-rút, Ba Lan, Bun-ga-ri, U-ru-goay… tuy không nhiều nhưng lại đạt mức tăng trưởng đột biến so với năm 2012.
Hiện nay chưa có quy chuẩn quốc gia cho ngành cao su nên chưa có cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra của các nhà máy chế biến mủ cao su. Điều này dẫn đến chất lượng của cao su xuất khẩu của Việt Nam không ổn định, uy tín, thương hiệu của cao su Việt Nam thấp hơn với các nước trong khu vực, kéo theo giá cao su xuất khẩu của Việt Nam thường thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a (từ 100 - 200 USD/tấn). Mặt khác, chưa có cơ chế bắt buộc kiểm tra chất lượng và có giấy chứng nhận chất lượng cho tất cả lô hàng cao su xuất khẩu, nên không tạo động lực cho doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đảm bảo chất lượng. Trong khi các nước Thái Lan, In-đô-nê-xi-a. Ma-lai-xi-a có quy định bắt buộc tất cả lô hàng cao su xuất khẩu phải có giấy chứng nhận chất lượng. Do vậy, người nhập khẩu cao su có xu hướng ưu tiên mua từ Thái Lan, In-đô-nê-xi-a. Ma-lai-xi-a. Trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt như hiện nay, đây là một bất lợi lớn đối với cao su xuất khẩu Việt Nam.