Xu hướng nhập khẩu thuỷ sản của Úc thời gian tới
Tiêu thụ thủy sản tăng nhanh
Theo thống kê tiêu thụ thủy sản bình quân/người của nước này đạt 15 kg vào năm 2012-2013 so với 10 kg trong năm 2000-2001.
Với lượng tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn/năm, trong khi sản lượng thủy sản (bao gồm cả nuôi và khai thác) của nước này chỉ đạt khoảng 220.000 – 280.000 tấn/năm khiến Úc ngày càng gia tăng nhập khẩu thủy sản để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Dân số Úc cũng đang gia tăng (hiện 24 triệu dân và dự kiến sẽ tăng lên 40 triệu dân vào giữa thế kỷ này) đồng nghĩa với tiêu thụ thủy sản của nước này sẽ tiếp tục tăng cao trong các năm tới.
Xuất khẩu luôn chiếm khoảng 49% giá trị và 22% tổng khối lượng thủy sản của Úc. Nhập khẩu thủy sản của Úc luôn lớn hơn xuất khẩu. Hàng năm, Úc phải nhập khẩu khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Sản lượng thủy sản không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng
Nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung đã vượt xa khả năng sản xuất của Úc. Mặc dù nuôi trồng thủy sản đã được đẩy mạnh ở nước này tuy nhiên sản lượng khai thác giảm khiến tổng sản lượng thủy sản của Úc liên tục giảm trong mấy năm gần đây. Trong giai đoạn này, Úc đã thực hiện hàng loạt biện pháp như nhượng quyền khai thác lại cho chính phủ tại một số ngư trường trọng điểm cũng như như giảm tần suất khai thác nhằm cải thiện điều kiện sinh học nhằm bảo tồn nguồn lợi thủy sản.
Xu hướng gia tăng nhập khẩu thủy sản châu Á
Các sản phẩm thủy sản nội địa của Úc chủ yếu để xuất khẩu (chiếm gần 50% tổng sản lượng). Trong khi nước này lại có xu hướng gia tăng nhập khẩu các sản phẩm thủy sản giá rẻ, chủ yếu là từ châu Á để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Nuôi trồng thủy sản của khu vực châu Á phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua khiến châu Á trở thành nguồn cung cấp thủy sản chủ yếu cho thị trường thế giới trong đó có cả Úc. Thái Lan, Trung Quốc, và Việt Nam là các nước cung cấp thủy sản quan trọng cho thị trường này.
Tôm nguyên liệu tiếp tục là mặt hàng tiềm năng
Trong nhóm các loài giáp xác (HS0306) nhập khẩu vào Úc thì tôm nguyên liệu là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất. Thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC) cho thấy tôm đông lạnh nguyên liệu (HS030617) là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm trên 82,2%, còn lại là cua đông lạnh và các sản phẩm khác.
Nhập khẩu tôm đông lạnh nguyên liệu vào nước này trong 5 năm qua có sự tăng trưởng liên tục và khả quan từ 7,5-37%.
Thị trường Mỹ hiện nay có trên 50 nước cung cấp tôm nguyên liệu đông lạnh trong khi thị trường Úc hiện chỉ nhập khẩu từ 10 nước trên thế giới. Ngoài ra, Úc có xu hướng thu hẹp thị trường và tập trung nhập khẩu từ các thị trường chính. Đây là một trong những lợi thế rất lớn cho các nước cung cấp tôm hàng đầu cho Úc trong đó có Việt Nam.