Ủy ban Châu Âu (EC) đề xuất sửa đổi các biện pháp phòng vệ thương mại
EC hy vọng rằng các đề xuất sửa đổi biện pháp phòng vệ thương mại sẽ giúp cơ chế phòng vệ thương mại của EU hoạt động tốt hơn đối với các bên liên quan, bao gồm cả các nhà sản xuất và nhập khẩu EU. Qua đó, các công cụ chống bán phá giá và chống trợ cấp sẽ hiệu quả hơn để bảo vệ các nhà sản xuất EU khỏi tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của các công ty nước ngoài. Thêm vào đó, các nhà nhập khẩu sẽ có thể dự báo được tốt hơn sự thay đổi về thuế, giúp cho việc lên kế hoạch kinh doanh dễ dàng hơn. Về tổng thể, toàn bộ hệ thống sẽ minh bạch và dễ sử dụng hơn. Bản dự thảo này bao gồm các đề xuất pháp lý và các đề xuất không thuộc pháp lý.
Về cơ bản, các đề xuất pháp lý của EC bao gồm:
- Tăng cường khả năng dự báo cho các doanh nghiệp bằng việc thông báo các biện pháp chống phá giá hoặc chống trợ cấp hai tuần trước khi mức thuế được áp dụng;
- Tạo điều kiện cho các nhà nhập khẩu hoàn thuế đã thu trong thời gian xem xét lại thời hạn áp dụng của biện pháp trong trường hợp có kết luận không cần thiết duy trì các biện pháp phòng vệ thương mại sau 5 năm;
- Bảo vệ ngành hàng của EU khi xuất hiện nguy cơ bị trả đũa thông qua tự đề xuất điều tra mà không cần có yêu cầu chính thức từ phía ngành hàng;
- Ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không công bằng từ đối tác thương mại thông qua việc áp đặt mức thuế cao hơn đối với mặt hàng nhập khẩu từ những nước có sử dụng các hình thức trợ cấp không công bằng và gây ra sự bóp méo cấu trúc đối với thị trường nguyên liệu thô.
Tuy nhiên, các đề xuất pháp lý sẽ phải được Hội Đồng và Nghị viện châu Âu phê duyệt và chưa chắc đã có thể trở thành luật trước năm 2014.
Các đề xuất không thuộc pháp lý bao gồm:
- Tạo điều kiện hợp tác với các công ty và Hiệp hội thương mại liên quan trong quá trình điều tra thông qua việc gia hạn các thời hạn trong thời gian điều tra;
- Tăng cường giám sát dòng chảy thương mại;
- Đảm bảo thực thi các biện pháp chống lẩn tránh thuế chính thức để ứng phó kịp thời đối với hành động vi phạm các biện pháp này.
Đồng thời, bản dự thảo của Tổng vụ Thương mại cũng đưa ra dự thảo hướng dẫn trong bốn lĩnh vực chính:
- Xem xét thời hạn hết hiệu lực của biện pháp phòng vệ thương mại, thường kéo dài 5 năm, để quyết định liệu việc bán phá giá và gây tổn thương có tiếp tục hoặc xuất hiện hay không nếu như biện pháp hết hiệu lực;
- “Kiểm nghiệm lợi ích của Liên đoàn”, Uỷ ban sẽ quyết định liệu biện pháp phòng vệ thương mại có đem lại lợi ích tổng thể đối với EU hay không - bao gồm lợi ích các ngành hàng nội địa liên quan, các nhà nhập khẩu, ngành sử dụng các sản phẩm nhập khẩu và người tiêu dùng;
- Tính toán mức độ ảnh hưởng, giám sát số lượng và giá cả của các mặt hàng nhập khẩu phá giá, hậu quả tác động tới ngành hàng EU;
- Lựa chọn một “quốc gia tương tự” làm mẫu để quyết định sản phẩm bị cho là phá giá được xuất khẩu từ một quốc gia chưa được công nhận là nền “kinh tế thị trường”.
Bản dự thảo đã được công bố để nhận ý kiến đóng góp công khai trong vòng 3 tháng kể từ ngày 10/4/2013. Sau đó, EC sẽ tiến hành phân tích các đóng góp nhận được để thông qua bản cuối cùng.
Mọi ý kiến đóng góp đối với bản dự thảo sửa các biện pháp phòng vệ thương mại của EC (tham khảo tài liệu đính kèm) xin gửi về:
Vụ Thị trường châu Âu, Nạp Tiền 188bet
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội
Email: [email protected]
Thời hạn: trước ngày 10/6/2013.
Các ý kiến đóng góp sẽ được Vụ châu Âu ghi nhận để phản ánh lại với Uỷ ban châu Âu nhằm tránh gây tổn hại đến lợi ích xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam cũng như tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU.