Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ai Cập trong năm 2014 tăng trưởng mạnh
Tuy nhiên, tới năm 2013, do bất ổn chính trị tại Ai Cập dẫn tới khan nguồn ngoại tệ thanh toán, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giảm mạnh tới so với năm 2012.
Năm 2014, sự khan hiếm ngoại tệ của doanh nghiệp đã phần nào được giải tỏa, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Ai Cập đã lấy lại đà tăng trưởng.
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ai Cập trong năm 2014 tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 395,9 triệu USD, tăng xấp xỉ 72% so với năm 2013 (230,3 triệu USD). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ai Cập đạt 380,4 triệu USD, tăng 71,7%; và nhập khẩu của Việt Nam từ quốc gia này đạt 15,5 triệu USD, 78,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Ai Cập
Đơn vị: triệu USD
| 2013 | 2014 | Tăng / Giảm (%) |
Xuất khẩu | 221,6 | 380,4 | + 71,7 |
Nhập khẩu | 8,7 | 15,5 | + 78,2 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam
Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện tăng trưởng mạnh, gần 14 lần so với năm 2013, đạt tới 95,6 triệu USD và trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang Ai Cập. Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu chính khác cũng đều có kim ngạch tăng trưởng khả quan, như: hàng hải sản đạt trên 72 triệu USD, tăng 28,44%; sợi các loại đạt 45,3 triệu USD, tăng gần 50%; hạt tiêu đạt 33 triệu USD, tăng 227,8%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng đạt 17,1 triệu USD, tăng xấp xỉ 20%, v.v...
Trong số 12 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Ai Cập trong năm 2014, chỉ có 02 mặt hàng có kim ngạch giảm so với năm 2013. Cụ thể là mặt hàng cao su đạt 6,5 triệu USD, giảm 12,78%; hóa chất đạt 5,8 triệu USD, giảm 35%.
Một số mặt hàng xuất khẩu chính từ Việt Nam sang thị trường Ai Cập
Đơn vị: USD
Tên mặt hàng | 2014 | 2013 | Tăng/Giảm (%) |
Điện thoại di động và linh kiện | 95.615.940 | 6.907.201 | 1284,29 |
Hàng hải sản | 72.088.574 | 56.128.088 | 28,44 |
Sợi các loại | 45.253.343 | 30.200.571 | 49,84 |
Hạt tiêu | 32.958.744 | 25.788.677 | 27,80 |
Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng | 17.093.363 | 14.306.273 | 19,48 |
Linh kiện ô tô CKD, SKD dưới 12 chỗ | 16.915.904 | 14.570.147 | 16,10 |
Hàng rau quả | 14.874.839 | 6.129.883 | 142,66 |
Cà phê | 9.193.859 | 5.415.445 | 69,77 |
Hạt điều | 8.507.147 | 6.825.571 | 24,64 |
Cao su | 6.545.845 | 7.504.869 | -12,78 |
Hóa chất | 5.798.385 | 8.922.046 | -35,01 |
Tổng kim ngạch xuất khẩu | 380.366.359 | 221.616.509 | +71,7 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam
Một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ai Cập tăng mạnh trong năm 2014 là do sự xuất hiện của một số mặt hàng mới, bao gồm đường, mật các loại, đạt 2,2 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu đạt 1,7 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,5 triệu USD. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nhập khẩu chủ lực cũng có kim ngạch tăng trưởng khả quan như tân dược đạt 1,1 triệu USD, tăng gần 90%; sợi các loại đạt 0,8 triệu USD, tăng 46,6%, v.v...
Trong khi đó, một số mặt hàng nhập khẩu từ thị trường này giảm sút như nguyên phụ liệu dệt may da giày đạt 2,2 triệu USD, giảm 12,2% so với năm 2013; sữa và sản phẩm từ sữa đạt 0,7 triệu USD, giảm 0,8%, v.v...
Mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Ai Cập
Đơn vị: USD
Tên mặt hàng | 2014 | 2013 | Tăng/Giảm (%) |
Hàng hóa khác | 2,808,889 | 1,485,678 | 89.06 |
Nguyên phụ liệu dệt may da giày | 2,168,500 | 2,469,756 | -12.20 |
Đường, mật các loại | 2,155,000 | - | - |
Chất dẻo nguyên liệu | 1,677,271 | - | - |
Máy vi tính, sản phẩm điện từ và linh kiện | 1,528,962 | - | - |
Tân dược | 1,098,030 | 579,038 | 89.63 |
Sợi các loại | 749,957 | 511,520 | 46.61 |
Sữa và sản phẩm sữa | 714,946 | 720,555 | -0.78 |
Hàng rau quả | 590,426 | 475,646 | 24.13 |
Quặng và khoáng sản khác | 524,421 | 890,599 | -41.12 |
Tổng kim ngạch nhập khẩu | 15,480,704 | 8,737,962 | + 78,2 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam
Với dân số đông, trên 85 triệu người cùng sức tiêu thụ tốt, Ai Cập là thị trường mở và đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Sau cuộc bầu cử tháng 6 vừa qua, tình hình chính trị của Ai Cập được kì vọng sẽ dần ổn định trở lại, nền kinh tế sẽ bước vào giai đoạn tái thiết sau xung đột. Với những dấu hiệu phục hồi khả quan trong năm 2014, trao đổi thương mại Việt Nam – Ai Cập sẽ tăng trưởng tốt, đưa Ai Cập quay trở lại vị trí thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam tại Châu Phi trong các năm tiếp theo.