Tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Ghana
Về ngôn ngữ, tiếng Anh là tiếng chính thức, ngoài ra còn có tiếng Akuapem Twi, Asante Twi, Ewe, Dagaare, Dagbani, Dangme, Ga, Gonja, Kasem, Mfantse, Nzema, v.v.
Đơn vị tiền tệ là đồng Ghana Cedi (GHC) với tỷ giá 1 USD đổi 25.403GHC (tháng 10/2014).
Được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên dồi dào, Ghana có GDP bình quân cao gấp đôi so với các nước nghèo khác ở khu vực Tây Phi. Tuy vậy, nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào trợ giúp kỹ thuật và tài chính quốc tế. Vàng, gỗ, ca cao là những nguồn thu ngoại tệ chủ yếu. Kinh tế trong nước vẫn phụ thuộc vào nền nông nghiệp tự cung tự cấp chiếm 34% GDP và sử dụng 60% lực lượng lao động, chủ yếu là những người sở hữu đất quy mô nhỏ. Ghana đã lựa chọn việc cắt giảm nợ theo Chương trình dành cho các nước nghèo nợ nhiều năm 2002, nhưng lại được xếp vào danh sách chương trình cắt giảm nợ của các nước G8 tại cuộc họp thượng đỉnh Gleneagles tháng 7/2005. Các ưu tiên trong Chương trình giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng trị giá 38 triệu đôla bao gồm việc thắt chặt hơn chính sách tài chính và tiền tệ, thúc đẩy tư nhân hoá và cải thiện các dịch vụ xã hội.
Theo thống kê của Ngân hàng Trung ương Ghana, năm 2013, GDP của Ghana ước đạt 42,26 tỷ USD, tăng 8,7% so với năm 2012, GDP bình quân đầu người đạt 1.625 USD.
Về ngoại thương, trong 8 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Ghana đạt 9 tỷ USD, giảm so với mức 9,4 tỷ USD cùng kỳ năm 2013. Trong đó kim ngạch xuất khẩu vàng đạt 2,9 tỷ USD; dầu mỏ đạt 2,6 tỷ USD; ca cao đạt 1,9 tỷ USD; v.v. Kim ngạch nhập khẩu của Ghana trong 8 tháng đầu năm 2014 đạt 9,5 tỷ USD, giảm so với mức 11,7 tỷ USD cùng kỳ năm 2013 trong đó, kim ngạch nhập khẩu dầu mỏ là 2,3 tỷ USD và các mặt hàng phi dầu mỏ là 7,2 tỷ USD. Cán cân thương mại của Ghana trong 09 tháng đầu năm 2014 thâm hụt 479 triệu USD.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ghana, theo thống kê của Trung tâm xúc tiến đầu tư Ghana (GIPC), lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ghana trong năm 2013 đạt 3,94 tỷ USD, giảm 19,53% so với mức 4,9 tỷ USD của năm 2012. Các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Ghana bao gồm Anh, Brazil, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lebanon, New Zealand, Nam Phi, Hoa Kỳ, Nigeria. Các lĩnh vực đầu tư vào Ghana là nông nghiệp, xây dựng, xuất nhập khẩu, sản xuất, dịch vụ và du lịch.
Về đầu tư ra nước ngoài, theo báo cáo của UNCTAD, lượng vốn đầu tư ra nước ngoài của Ghana trong năm 2013 là không đáng kể, vào khoảng 9 triệu USD.
Quan hệ hợp tác Việt Nam – Ghana
Việt Nam và Ghana thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/3/1965. Hiện nay, Đại sứ quán Ghana tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Nigeria kiêm nhiệm Ghana.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2013, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ghana đạt 343,1 triệu USD, tăng 29,48% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ghana đạt 246,6 triệu USD, tăng 21,15%; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ghana đạt 96,5 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2012. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này bao gồm: gạo (182,8 triệu USD); kem đánh răng (13,8 triệu USD); sắt thép các loại (13,4 triệu USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện (10,2 triệu USD); sản phẩm dệt may (3,2 triệu USD); linh kiện phụ tùng xe máy (2,67 triệu USD); bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc (2,6 triệu USD). Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Ghana bao gồm: hạt điều (80,5 triệu USD); sắt thép phế liệu (11,8 triệu USD); gỗ & sản phẩm gỗ (2,2 triệu USD); bông các loại (1,5 triệu USD); hàng hải sản (190 nghìn USD).
Trong 9 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ghana đạt 188,6 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 131,6 triệu USD, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc đạt 2 triệu USD, v.v...
Về hợp tác đầu tư giữa hai nước, đầu tháng 06/2014, Đại sứ Việt Nam tại Nigeria, kiêm nhiệm Ghana đã dự lễ khai trương đầm tôm của công ty Ghavie – là liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ghana, trước sự có mặt của Tổng thống Ghana. Đây là dự án đầu tiên về nuôi tôm tại Ghana cũng như tại khu vực Tây Phi, mở ra một mô hình hợp tác mới và khả thi trong việc hợp tác đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ hải sản giữa Việt Nam với các nước châu Phi.