Thực trạng và tiềm năng trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ
Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ luôn đạt mức độ tăng trưởng khả quan với tốc độ tăng ấn tượng. Trong 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng trung bình khoảng 320 triệu USD/năm, với tỷ lệ là 46,22%/năm. Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn từ năm 2008 – 2009, trước khi Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean - Ấn Độ (AIFTA) được ký kết, mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này còn khiêm tốn, lần lượt đạt 389 triệu USD và 420 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ
Đơn vị: triệu USD
| Kim ngạch xuất khẩu | Tăng/Giảm | |
Triệu USD | % | ||
2008 | 389 | - | - |
2009 | 420 | 31 | 8 |
2010 | 992 | 572 | 136,19 |
2011 | 1.523 | 531 | 53,53 |
2012 | 1.778 | 255 | 16,74 |
Tuy nhiên, kể từ năm 2010 khi AIFTA bắt đầu có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đã có sự biến chuyển đáng kể. Năm 2010 cũng là năm trị giá xuất khẩu tăng mạnh nhất, đạt 992 triệu USD, tăng tới trên 136% và hơn 572 triệu so với năm 2009. Tiếp đà tăng trưởng này, năm 2011 đánh dấu năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ vượt mốc 1 tỷ USD (trên 1,5 tỷ USD), tăng trên 53% và chênh lệch kim ngạch so với năm 2010 là hơn 531 triệu USD. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ tăng trưởng chậm hơn hai năm 2011 và 2010, đạt xấp xỉ 1,8 tỷ USD, tăng 16,7% và hơn kim ngạch năm 2011 là 255 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ ngày càng đa dạng về cơ cấu ngành hàng cũng như tăng về trị giá xuất khẩu, dần dần tạo được thương hiệu, chỗ đứng và niềm tin đối với người tiêu dùng tại thị trường này.
Một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ấn Độ theo nhóm hàng
Đơn vị: triệu USD
Mặt hàng | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | Tổng |
Nhóm hàng công nghiệp | ||||||
Điện thoại các loại và linh kiện | - | 46,63 | 255,77 | 369,41 | 469,05 | 1140.86 |
Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng | - | 39,60 | 61,12 | 245,24 | 238,61 | 585.03 |
Cao su | 5,56 | 9,68 | 75,58 | 109,15 | 212,13 | 412.62 |
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện | 28,98 | 44,39 | 67,12 | 96 | 159,59 | 396.08 |
Sắt thép các loại | 60,32 | 7,74 | 71,34 | 112,74 | 42,45 | 294.59 |
Hóa chất | 2,23 | 8,35 | 27,31 | 31,26 | 57,40 | 126.55 |
Xơ, sợi dệt các loại | 2,63 | 16,72 | 24,03 | 28,13 | 35,73 | 107.24 |
Nhóm hàng nông sản, thủy sản | ||||||
Cà phê | 9,74 | 22,51 | 24,03 | 45,69 | 57,52 | 159.49 |
Hạt tiêu | 8,92 | 15,03 | 18,5 | 36,3 | 38,40 | 117.15 |
Hạt điều | 1,03 | 2,89 | 18,09 | 12,46 | 16,97 | 51,44 |
Hàng thủy sản | - | - | 4,67 | 12,12 | 15,14 | 31,93 |
Nhóm hàng khoáng sản | ||||||
Than đá | 51,11 | 17,48 | 78,67 | 39,09 | 40,21 | 226.56 |
Quặng và khoáng sản khác | 37,15 | 18,67 | 22,32 | 25,24 | 1,21 | 104,59 |
Trong năm 2008 và 2009, không có mặt hàng nào có kim ngạch xuất khẩu trên 50 triệu USD. Năm 2009, mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là điện thoại và linh kiện cũng chỉ đạt 46,63 triệu USD, chiếm tỷ trọng 11,1% trên tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Trong giai đoạn này, kim ngạch của các mặt hàng xuất khẩu tuy có thấp nhưng khá đồng đều, không bị chêch lệch quá nhiều giữa các mặt hàng.
Năm 2011 và 2012, trong các mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ, có 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu là điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, cao su, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Các mặt hàng này đều thuộc nhóm hàng công nghiệp và có tốc độ tăng trưởng tốt trong những năm gần đây (máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng là mặt hàng duy nhất có kim ngạch giảm vào năm 2012, tuy nhiên, mức độ giảm là nhỏ, trên 2%). Trong năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của 3 mặt hàng này đạt 1,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng tới 61,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Việc xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện tăng cao và trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang Ấn Độ cũng nằm trong xu thế xuất khẩu chung của cả nước. Mặc dù chỉ mới được xuất khẩu sang Ấn Độ kể từ năm 2009, tuy nhiên, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đã trở thành mặt hàng có kim ngạch lớn nhất xuất khẩu sang thị trường này, với tổng kim ngạch đạt trên 1,1 tỷ USD. Dựa vào bảng số liệu ta có thể thấy rằng, năm 2010 là năm mặt hàng điện thoại và linh kiện có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tăng gần 450% và hơn 210 triệu USD so với năm 2009. Năm 2011 và 2012, mặt hàng này vẫn tăng trưởng đều đặn nhưng với tốc độ chậm hơn. Kể từ năm 2010, tỷ trọng đối với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ của mặt hàng điện thoại và linh kiện luôn ở mức cao, đạt 25,78% vào năm 2010, 24,26% vào năm 2011 và 26,38% vào năm 2012.
Nguyên nhân khách quan xuất phát từ nhu cầu sử dụng điện thoại của người dân Ấn Độ tăng nhanh chóng. Hiện nay, với dân số 1,2 tỷ người, Ấn Độ là quốc gia có số lượng thuê bao điện thoại đứng thứ 2 trên thế giới, sau Trung Quốc. Ngoài ra, việc các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện tại Việt Nam, như Samsung, Nokia… tăng trưởng mạnh trong những năm qua, có mạng lưới phân phối, bán hàng cũng như mẫu mã thích hợp, cũng góp phần đẩy mạnh việc xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường, trong đó có Ấn Độ. Có thể kể tới như nhà đầu tư của Hàn Quốc Samsung với dự án tổ hợp điện thoại di động tại Bắc Ninh mỗi tháng xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Đặc biệt, dự án thứ 2 của Samsung tại Thái Nguyên với vốn đầu tư 3,2 tỷ USD dự báo sẽ đem lại giá trị xuất khẩu tới 20 tỷ USD mỗi năm; Nokia cũng đang xây dựng nhà máy sản xuất ở phía Bắc, v.v…
Một trong số các mặt hàng xuất khẩu đáng chú ý khác của Việt Nam sang Ấn Độ trong nhóm hàng công nghiệp phải kể tới là mặt hàng sắt thép các loại. Tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này từ năm 2008 – 2012 đạt 294 triệu USD, đứng thứ 5 trong tất cả các mặt hàng. Trong giai đoạn trước năm 2011, kim ngạch xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam sang Ấn Độ đạt giá trị cao và góp phần đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ cũng như làm giảm giá trị nhập siêu cao sang thị trường này. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng sắt thép các loại đạt 112,74 triệu USD, tăng trưởng tới 58% so với năm 2010.
Sự tăng trưởng cao của ngành sắt thép trong giai đoạn này bắt nguồn từ một số nguyên nhân chính sau đây: Là một quốc gia lớn, với diện tích khoảng 3,2 triệu km2, đông dân, có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, vì vậy, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của Ấn Độ là rất lớn. Hiện tại, Chính phủ Ấn Độ đang thực hiện chủ trương tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị hóa, cầu cống đường xá, và phát triển nông thôn nên đòi hỏi về nguồn cung sắt thép rất lớn. Dự báo đến năm 2020, Ấn Độ sẽ sử dụng khoảng trên 200 triệu tấn sắt thép cho mục tiêu trên.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất sắt thép tại Ấn Độ, bao gồm quặng và than luyện, tăng từ 25% đến 30% trong năm 2011, tạo áp lực lên các nhà sản xuất thép và người tiêu dùng. Những điều này đã làm tăng nhu cầu nhập khẩu sắt thép của thị trường Ấn Độ trong những năm vừa qua. Nắm bắt được những nhu cầu đó, trong giai đoạn này, Việt Nam đã xuất khẩu lượng lớn sắt thép các loại và các sản phẩm từ sắt thép sang thị trường này.
Trong khi đó, đến năm 2012, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng sắt thép các loại lại giảm nhanh chóng, hơn 62% so với năm 2011 (chỉ đạt 42,45 triệu USD). Các doanh nghiệp Việt Nam nên tăng cường sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm từ sắt thép như sản phẩm khung sắt thép, kết hợp với các nguyên vật liệu khác như nhựa, mây, vải… để đảm bảo ổn định xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm mà không làm ảnh hưởng tới nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Cao su là mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3 trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ, thuộc nhóm hàng công nghiệp. Kể từ năm 2008 đến nay, mặt hàng này đã tăng trưởng đều đặn qua các năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm qua của mặt hàng cao su đạt trên 412 triệu USD, đứng sau 02 mặt hàng là điện thoại các loại và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam tại thị trường Ấn Độ đạt trên 212 triệu USD, tăng tới 95% so với năm 2011. Ấn Độ là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về tiêu dùng cao su tự nhiên và là nhà sản xuất lớn thứ 4 trên thế giới về mặt hàng này. Nhu cầu về cao su tự nhiên của Ấn Độ là rất lớn vì để đáp ứng việc sản xuất lốp xe ôtô do ngành công nghiệp sản xuất ôtô của Ấn Độ rất phát triển. Việt Nam là quốc gia sản xuất cao su tự nhiên đứng thứ 5 trên thế giới. Vì vậy, đây là một mặt hàng xuất khẩu hết sức tiềm năng của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ.
Nhóm hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam là nhóm hàng có kim ngạch lớn thứ 2 trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ. Ấn Độ mỗi năm xuất khẩu hơn 500.000 tấn gia vị các loại với tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt hơn 1,7 tỷ USD. Vì vậy, Ấn Độ cần nhập các mặt hàng nông sản của Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, hạt điều… để chế biến và thêm phần giá trị gia tăng, sau đó sẽ tái xuất. Đây là nhóm hàng có lợi thế và năng lực cạnh tranh trong dài hạn của Việt Nam, mặc dù giá trị gia tăng còn thấp.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đối với các mặt hàng thuộc nhóm này do đó đều có kim ngạch và tốc độ tăng trưởng tốt và ổn định: mặt hàng cà phê năm 2008 có kim ngạch đạt 9,74 triệu USD, tuy nhiên, đến năm 2012, đã tăng đến 6 lần, đạt 57,5 triệu USD. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất cho Ấn Độ. Mặc dù Ấn Độ là nhà sản xuất cà phê đứng thứ 3 trên thế giới và gần đây, Ấn Độ đã mở rộng diện tích trồng cây cà phê, tuy nhiên, Ấn Độ vẫn tiếp tục cần nhập khẩu cà phê từ nước ngoài để sản xuất cà phê hòa tan, sau đó tái xuất.
Mặt hàng hạt tiêu trong 5 năm, từ 2008 – 2012 cũng có kim ngạch tăng 4,5 lần và tăng cao nhất trong năm 2011 (gấp đôi so với năm 2010). Bên cạnh đó, đối với các mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thủy sản, có thể thấy rằng, mặc dù vẫn có sự tăng trưởng trong năm 2012, tuy nhiên, mức tăng trưởng là thấp và chậm.
Trong nhóm hàng nông sản thủy sản, mặt hàng thủy sản là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng thấp nhất. Mặt hàng này cũng mới chỉ được xuất khẩu sang Ấn Độ từ năm 2010. Đến năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của hàng thủy sản đạt 15,14 triệu USD. Việc hàng thủy sản của Việt Nam khó xuất khẩu sang thị trường này là do, Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới. Trong năm tài chính 2011 – 2012, kim ngạch xuất khẩu của hàng thủy sản của Ấn Độ đạt 3,4 tỷ USD.
Trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ, nhóm hàng khoáng sản bao gồm 02 mặt hàng chính là than đá; quặng và khoáng sản khác. Mặt hàng than đá cũng là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Ấn Độ trong 5 năm qua. Tổng kim ngạch xuất khẩu của than đá trong 5 năm qua đạt 227 triệu USD, đứng thứ 6 trong các mặt hàng. Trong năm 2010, mặt hàng này là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2, sau điện thoại các loại và linh kiện, đạt xấp xỉ 79 triệu USD, tăng tới 350% so với năm 2009. Mặc dù nhu cầu về than của thị trường Ấn Độ vẫn còn rất lớn, tuy nhiên, năm 2011 xuất khẩu than đá đã giảm một nửa, chỉ đạt 39,09 triệu USD. Năm 2012, tuy kim ngạch có tăng nhưng giá trị rất nhỏ, đạt 40,21 triệu USD. Bên cạnh đó, quặng và các loại khoáng sản khác cũng đã giảm sút đáng kể. Năm 2012, mặt hàng này chỉ đạt vỏn vẹn 1,21 triệu USD, giảm tới 95% so với năm 2011. Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm khoáng sản giảm như vậy là do chủ trương và các chính sách nhằm hạn chế xuất khẩu tài nguyên của Việt Nam.
Như vậy, trong giai đoạn gần đây, kể từ sau năm 2010, cơ cấu về ngành hàng của hàng hóa xuất khẩu sang Ấn Độ có sự phân chia rõ rệt. Tất cả các mặt hàng có kim ngạch lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu đều tập trung vào nhóm hàng công nghiệp. Vì vậy, biến động đối với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ sẽ bị phụ thuộc chính vào nhóm hàng này. Các loại hàng hóa khác vẫn được xuất khẩu đều đặn sang Ấn Độ, tuy nhiên kim ngạch thường nhỏ và vừa.
Ấn Độ là một trong những quốc gia đông dân nhất trên thế giới. Nhu cầu về các mặt hàng rất đa dạng và phong phú. Vì vậy, Việt Nam còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này, có thể kể tới các mặt hàng như: nông sản (hạt điều, gia vị, chè xanh, chè đen, lạc, tơ, thực phẩm đóng hộp), cao su tự nhiên, hàng mỹ nghệ, vật liệu xây dựng và thiết bị vệ sinh, quần áo may sẵn, v.v… Đây cũng là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam trong việc xuất khẩu ra thị trường quốc tế.