Pháp chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu chiến lược và dự báo với Việt Nam
Tuy có những điều chỉnh nhất định theo từng thời kỳ phát triển, công nghệ tương lai luôn là một trong những căn cứ quan trọng để Chính phủ Pháp xác định chiến lược phát triển cho toàn bộ nền kinh tế nói chung và từng ngành công nghiệp nói riêng. Sau Đại chiến Thế giới lần thứ hai, Pháp đã rất thành công trong việc phát triển một số ngành công nghiệp chủ chốt như năng lượng nguyên tử, hàng không vũ trụ, điện tử, viễn thông, chế biến thực phẩm, dược phẩm. Nước Pháp đã có một thời kỳ dài phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc nhờ các ngành công nghiệp mũi nhọn này. Tuy nhiên, việc tập trung đầu tư (tài lực và nhân lực tri thức) cho một số ít ngành trọng điểm đã khiến một số ngành khác rơi vào tình trạng tụt hậu do không được đầu tư phát triển thỏa đáng.
Trước những thách thức về tăng trưởng kinh tế và toàn cầu hóa, Pháp đang xác định lại những ngành công nghiệp/công nghệ chiến lược có thể làm đầu kéo cho nền kinh tế. Đó là: năng lượng tái tạo, ô tô tiết kiệm nhiên liệu (2lit/100 km), thiết bị điện đầu cuối có thể xạc lại, ắc qui tự xạc, ô tô tự động, máy bay điện và thiết bị bay thế hệ mới, khí cầu tải nặng, phần mềm và hệ thống máy tính thông minh, vệ tinh chạy bằng điện, tàu điện cao tốc thế hệ mới, hàng hải sinh thái, vải dệt kỹ thuật và thông minh, lâm nghiệp, vật liệu có thể tái chế và thân thiện với môi trường, cách tân hệ thống nhiệt (sưởi ấm) trong các tòa nhà, mạng điện thông minh, quản lý chất lượng và sử dụng nguồn nước, hóa chất thân thiện với môi trường, chữa bệnh bằng công nghệ sinh học, bệnh viện kỹ thuật số, thiết bị y tế và dụng cụ chăm sóc sức khỏe, công nghệ thực phẩm an toàn, bổ dưỡng và bền vững, xử lý dữ liệu dung lượng lớn, công nghệ tin học đám mây, giáo dục từ xa qua mạng điện tử, viễn thám, điện tử nano, thiết bị kết nối, thiết bị phóng đại, dịch vụ từ xa, siêu máy tính, người máy, an ninh mạng và công xưởng tương lai.
Bên cạnh đó, dự báo rủi ro cũng là một công việc quan trọng của Ủy ban chiến lược và Tầm nhìn nhằm giúp giới chủ doanh nghiệp thận trọng trong quyết định đầu tư hoặc tránh đầu tư vào những ngành công nghiệp hay công nghệ sắp lỗi thời. Những dự báo này sẽ được trình lên Chính phủ và Quốc hội thảo luận nhằm hoạch định các đối sách quốc gia. Chính từ những dự báo như vậy, các ngành công nghiệp hay công nghệ sử dụng nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn hay thảm họa sẽ bị thu hẹp dần để nhường chỗ cho các ngành công nghiệp mới có hiệu quả hơn và có khả năng cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới. Ông Nicolai cho rằng công tác dự báo cần được thực hiện cả bằng phương pháp định tính và phương pháp định lượng. Kết quả phân tích được công bố công khai để tất cả các tổ chức và cá nhân đều có thể sử dụng.