Ca-ta – Đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông trong lĩnh vực thương mại và hợp tác công nghiệp
Đôi nét thị trường Ca-ta
Nhà nước Ca-ta là một quốc gia thuộc khu vực Trung Đông, nằm trên một bán đảo nhỏ cùng một số đảo bên bờ biển phía Tây của Vịnh Ba tư hay phía Đông bán đảo Ả-rập và có biên giới tiếp giáp với Ả-rập Xê-út phía Tây Nam. Diện tích của Ca-ta là 11.521 km2 và dân số khoảng 1,9 triệu người (theo số liệu thống kê năm 2012). Đây là quốc gia theo chế độ quân chủ chuyên chế với đạo Hồi là tôn giáo chính thống. Đứng đầu Nhà nước là Quốc Vương, Thủ tướng và các thành viên Hội đồng tư vấn đều do Quốc vương chỉ định. Năm 1995, Quốc vương Ha-mát Bin Kha-li-pha An Tha-ni (người đứng đầu một dòng họ lớn ở Ca-ta) lên ngôi và nắm quyền cai trị quốc gia quốc Hồi giáo ở Trung Đông này. Sau khi Quốc vương thoái vị ngày 26/6/2013, Hoàng Thái tử Ta-min Bin Ha-mát An Tha-ni lên ngôi Quốc vương và cầm quyền điều hành đất nước. Các đảng phái chính trị, các tổ chức công đoàn và quần chúng đều bị cấm hoạt động tại quốc gia Hồi giáo này. Hiện nay, Ca-ta đang là thành viên của một số các tổ chức quốc tế lớn như: UN, WTO, GCC, FAO, OPEC, OAPEC, IMF, OIC, AL, v.v…
Ca-ta ngày nay được xem là quốc gia phát triển trong khu vực và đất nước có nền kinh tế cởi mở. Luật đầu tư cho phép 100% vốn đầu tư nước ngoài trong hầu hết các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế thương mại, du lịch, y tế, giáo dục, thăm dò tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và khai khoáng, v.v… Cơ cấu kinh tế của Ca-ta tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ, công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn 77,8%, dịch vụ 22,1% và nông nghiệp là 0,1%. Những năm gần đây Ca-ta nổi lên là nước có sự phát triển kinh tế vượt bậc trên thế giới. Đặc biệt khi quốc gia này thành công trong cuộc chạy đua là nước chủ nhà của World Cup 2022. Đây là nhân tố để Ca-ta thể hiện hình ảnh của một quốc gia hiện đại và phát triển trên thế giới.
Được đánh giá là quốc gia có trữ lượng tài nguyên về khí đốt và dầu lửa hàng đầu thế giới (25 nghìn tỷ m3 khí thiên nhiên chiếm hơn 13% trữ lượng thế giới và 15,2 tỷ thùng dầu mỏ). Từ thập niên 1940 của thế kỷ trước, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên được phát hiện ở khu vực Trung Đông và đã đem lại sự thịnh vượng cho Ca-ta và một số nước khác trong khu vực. Theo đánh giá của IMF, ngành công nghiệp khí và dầu lửa của Ca-ta chiếm tới 50% GDP, 85% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia và khoảng 70% chi tiêu của chính phủ. Những năm gần đây, Ca-ta trở thành nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới và chiếm phần lớn trong các giao dịch buôn bán khí đốt hóa lỏng LNG trên toàn cầu. Với nguồn lợi lớn thu được từ xuất khẩu khí đốt tự nhiên, quốc gia này có điều kiện tốt để mở rộng sang các lĩnh vực đầu tư và phát triển kinh tế.
GDP năm 2012 của Ca-ta đạt 184,6 tỷ USD (tính theo tỷ giá hối đoái) và Ca-ta là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới ba năm liên tiếp gần đây (năm 2012 là 106.000 USD/người/năm- theo học viện tài chính quốc tế IIF). Kim ngạch xuất khẩu năm 2012 của Ca-ta đạt 117,7 tỷ USD, các mặt hàng xuất khẩu chính là khí hóa lỏng (LNG), sản phẩm hóa dầu, phân bón, sắt thép. Năm 2012 Ca-ta nhập khẩu 23,5 tỷ USD để đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng nội địa. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Ca-ta là máy móc thiết bị, lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu xây dựng, các sản phẩm công nghiệp khác, v.v… Hàng năm Ca-ta phải nhập khẩu khá nhiều lương thực thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp và hàng hóa tiêu dùng khác để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Bùng nổ xây dựng cơ sở hạ tầng tại quốc gia này những năm gần đây đã đem lại những hình ảnh diện mạo mới cho quốc gia giàu có tại Trung Đông này.
Quan hệ Việt Nam – Ca-ta trong lĩnh vực trao đổi thương mại và hợp tác công nghiệp
Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 08 tháng 02 năm 1993. Năm 2008 Việt Nam mở Đại sứ quán tại Đô-ha và đến năm 2010 Ca-ta mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Đây là những dấu ấn quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước đặc biệt trong các lĩnh vực như ngoại giao, kinh tế thương mại, đầu tư, hợp tác công nghiệp và xuất khẩu lao động.
Giai đoạn 1993-2003, do điều kiện thiếu thông tin thị trường nên hợp tác giữa hai nước còn rất hạn chế, trao đổi thương mại không có nhiều và hợp tác trong các lĩnh vực khác hầu như chưa có gì. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Ca-ta là một số mặt hàng nhỏ lẻ như hàng may mặc và rau quả. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Ca-ta các mặt hàng như khí hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu và phân bón. Ca-ta là nguồn cung cấp ổn định các sản phẩm khí (LNG) và một số các sản phẩm hóa dầu khác cho Việt Nam.
Giai đoạn 2003-2013, giai đoạn đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong quan hệ kinh tế thương mại và hợp tác công nghiệp giữa hai nước.
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Ca-ta giai đoạn 2003 - 2013
Đơn vị tính: triệu USD
Năm | Việt Nam Xuất khẩu | Việt Nam Nhập khẩu | Tổng kim ngạch Xuất nhập khẩu |
2003 | 0,5 | 26,6 | 27,1 |
2004 | 0,5 | 25,6 | 26,1 |
2005 | 4,0 | 28,9 | 32,9 |
2006 | 10,3 | 20,4 | 30,7 |
2007 | 12,8 | 20,0 | 32,8 |
2008 | 19,5 | 60,0 | 79,5 |
2009 | 12,6 | 121,4 | 134,0 |
2010 | 10,0 | 83,2 | 93,2 |
2011 | 17,3 | 178,4 | 195,7 |
2012 | 18,4 | 233,5 | 251,9 |
9T 2013 | 9,8 | 154,1 | 163.9 |
Nguồn Tổng cục Hải Quan
Trong 10 năm (2003-2013), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã tăng hơn 9,3 lần. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Ca-ta năm 2003 đạt 0,5 triệu USD, năm 2008 đạt 19,5 và đến năm 2012 đạt 18,4 triệu (tăng 36,8 lần so với năm 2003). Nhập khẩu của Việt Nam từ Ca-ta năm 2003 đạt 26,6 triệu USD, năm 2008 đạt 60 triệu USD (tăng 2,3 lần so với năm 2003) và năm 2012 đạt 233,5 triệu USD (tăng 8,7 lần so với năm 2003).
Năm 2003, diện mặt hàng trao đổi giữa Việt Nam và Ca-ta còn khá hạn chế so với tiềm năng của hai bên. Mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam còn đơn điệu, chủ yếu là hàng may mặc, một số hàng nông sản và sản phẩm công nghiệp chế biến khác. Năm 2012, diện mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên trên 20 mặt hàng như hàng may mặc, thủy sản, sắt thép, máy móc thiết bị, gỗ và các sản phẩm gỗ, dây điện và dây cáp điện, hàng thiết bị điện tử, đồ gốm sứ, sản phẩm mây tre, cói & thảm, hàng thủ công mỹ nghệ, v.v... Một số mặt hàng mới bắt đầu thâm nhập được thị trường như các sản phẩm từ cao su, tàu thuyền các loại và một số mặt hàng tiêu dùng khác. Tuy nhiên tỷ trọng giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam trên tổng nhập khẩu hàng năm của Ca-ta còn rất thấp (năm 2012 Việt Nam xuất khẩu sang Ca-ta trị giá 18,4 triệu USD trong khi nước này phải nhập khẩu 23,5 tỷ USD).
Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thị trường ổn định tại thị trường Ca-ta như thủy sản, hạt tiêu, hàng rau quả. Các mặt hàng xuất khẩu là thế mạnh của Việt Nam cũng đã xuất khẩu sang tại thị trường này như hàng nông sản, các sản phẩm may mặc, thủ công mỹ nghệ, v.v... Dung lượng thị trường Ca-ta nhỏ nhưng tiềm năng thị trường rất lớn. Việt Nam có thể tăng cường đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.
Do đặc điểm điều kiện tự nhiên nên ngành nông nghiệp của Ca-ta khó có điều kiện phát triển (nông nghiệp chỉ chiếm 0,1% trong cơ cấu kinh tế của Ca-ta) dẫn tới nước này phải nhập khẩu khá nhiều lương thực thực phẩm, sản phẩm chế biến, hàng tiêu dùng phục vụ cho tiêu dùng nội địa. Đặc biệt, Ca-ta đang thực hiện các chương trình dự án đầu tư lớn cho xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ cho sự kiện Ca-ta là chủ nhà của World Cup 2022. Trong thời gian tới đây, nước này sẽ có nhu cầu rất lớn đối với các hàng hóa như vật liệu xây dựng, đồ sứ vệ sinh, hàng nội, ngoại thất, v.v… Đây là những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Ca-ta. Việt Nam nhập khẩu từ Ca-ta chủ yếu là các nguyên liệu để phục vụ cho nhu cầu sản xuất như khí đốt hóa lỏng, hóa chất, kim loại thường, chất dẻo nguyên liệu, một số quạng và khoáng sản khác. Ca-ta là quốc gia cung cấp ổn định các sản phẩm khí và các sản phẩm hóa dầu khác cho Việt Nam. Năm 2012 Việt Nam nhập khẩu khoảng 134 triệu USD các sản phẩm khí của Ca-ta để phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu thụ trong nước.
Trong thời gian qua, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp giữa hai nước cũng có nhiều biến chuyển tích cực. Ca-ta quan tâm và mong muốn đầu tư vào một số dự án trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam. Hai bên đang xem xét và hợp tác đầu tư trong dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, một dự án quan trọng của ngành dầu khí Việt. Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phẩn đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp giữa hai nước.
Với nguồn thu lớn từ xuất khẩu khí đốt tự nhiên, Ca-ta có tiềm lực về tài chính rất dồi dào. Quốc gia này đang có nhiều chính sách mở rộng đầu tư ra ngoài trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Tại khu vực Đông Nam Á, Ca-ta có đầu tư một số dự án trong việc xây dựng các cụm công nghiệp để sản xuất hàng lương thực, dược phẩm, chế biến thực phẩm theo tiêu chuẩn Halal rồi chuyển về nước để đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng nội địa đang tăng trưởng nhanh. Đặc biệt, Ca-ta tham gia một số dự án quan trọng trong lĩnh vực dầu khí với một số nước trong khu vực. Việt Nam có thể đẩy mạnh hợp tác trong việc thu hút Ca-ta đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực mà Ca-ta có thế mạnh.
Ca-ta là thị trường quan trọng trong khu vực Trung Đông và là thành viên tích cực của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh GCC. Trong bối cảnh tình hình chính trị khu vực còn nhiều bất ổn, quốc gia này là một trong số ít các quốc gia trong khu vực có được sự ổn định về chính trị, xã hội và tăng trưởng kinh tế. Ca-ta đang rất nỗ lực thể hiện vị thế và vai trò của mình trên trường khu vực và quốc tế. Thời gian tới, Ca-ta sẽ là thị trường nhiều tiềm năng trong rất nhiều lĩnh vực đặc biệt trong trao đổi thương mại và hợp tác công nghiệp của khu vực Trung Đông.