Sách Trắng 2018: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài
Nhiều chuyển biến tích cực
Sách Trắng xuất bản lần thứ 10 tập hợp những quan điểm và góc nhìn của các công ty thành viên EuroCham hiện đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ấn phẩm đã gây được tiếng vang khi thể hiện nguyện vọng của các doanh nghiệp châu Âu trong việc hỗ trợ Chính phủ phát triển những khuôn mẫu pháp lý, đóng góp vào việc xây dựng một môi trường kinh doanh thịnh vượng ở Việt Nam vì lợi ích của tất cả các doanh nghiệp, nhà đầu tư và xã hội.
Ấn phẩm này phản ánh mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng khuôn khổ pháp lý và phát triển môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) dự định được ký kết trong năm 2018. Theo đó, Sách Trắng năm nay đánh giá cao những chuyển biến tích cực ở một số ngành, cụ thể là liên quan đến chính sách và quy định EuroCham đã nêu trong sách trắng năm 2017. Đặc biệt trong đó, EuroCham rất hoan nghênh Thông tư 08 của Bộ Tài chính được ban hành ngày 26/6/2017 và có hiệu lực vào ngày 10/8/2018 về đăng ký, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi được dỡ bỏ.
Theo Sách Trắng 2018, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bên cạnh hàng loạt những thay đổi về pháp luật như: giảm mức phí tại cảng, nới lỏng điều kiện giấy phép cho lao động nước ngoài, Chính phủ Việt Nam tiếp tục ưu đãi thuế cho hoạt động mở rộng kinh doanh hay dỡ bỏ giá trần đối với sản phẩm sữa bột trẻ em... đây đều là những động lực quan trọng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Sách Trắng 2018 nêu rõ, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường nước ngoài lớn thứ 2 của Việt Nam và là điểm đến của 18% lượng hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Với thương mại song phương đạt 50,3 tỷ USD năm vừa qua, EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Việt Nam hiện đang có thặng dư thương mại với EU khoảng 31,8 tỷ USD. Các nhà đầu tư châu Âu đã đầu tư tổng số vốn 915,5 triệu USD vào 151 dự án tại Việt Nam, và đang tích cực xúc tiến đầu tư tại quốc gia giàu tiềm năng này.
EVFTA là động lực lớn cho hợp tác Việt Nam - EU
Phát biểu tại lễ công bố, ông Gellert Horvath, Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh, EVFTA sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại đầu tư giữa hai nước nhờ lộ trình giảm thuế quan và các cam kết mạnh mẽ từ hai nước. Hiệp định này không chỉ tạo động lực cho các ngành nghề của Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển mà còn giúp cải thiện môi trường đầu tư cũng như thúc đẩy việc nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước.
Cũng tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu trong việc thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư thời gian qua. Với ấn phẩm sách trắng thứ 10 được công bố, Phó Thủ tướng cho rằng, Chính phủ Việt Nam luôn luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị cao nhất và sẵn sàng hành động khi thấy cần thiết. Cùng với khuyến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp, các Bộ ngành của Việt Nam sẽ tiếp tục đề xuất báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng các ý kiến, đề xuất tâm huyết của Eurocham.
Nhìn vào kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 10 lần, từ 4 tỷ USD vào năm 2000 lên hơn 50 tỷ USD và năm 2017 và việc thu hút FDI từ EU liên tục tăng, theo Phó Thủ tướng, hai bên xứng đáng có một hiệp định mới, chất lượng cao và toàn diện để khai tác tối đa tiềm năng cũng như đưa quan hệ Việt Nam - EU lên một tầm cao mới.
Sách Trắng 2018 cũng đưa ra những nhận định rất khả quan khi EVFTA được phê duyệt và thực thi, điều này sẽ tạo động lực khổng lồ cho cả Việt Nam và Liên minh châu Âu. Việc ký, phê chuẩn và đưa vào thực thi EVFTA còn là thông điệp hết sức quan trọng của EU và Việt Nam gửi ra thế giới về quyết tâm của hai bên trong việc tạo dựng và duy trì một môi trưởng mở cửa thương mại và đầu tư trong bối cảnh đâu đó đã xuất hiện dấu hiệu đáng quan ngại của chủ nghĩa bảo hộ.
Theo đó, EVFTA sẽ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của Việt Nam trên tất cả các ngành và lĩnh vực và hiệp định này còn cải thiện khuôn khổ pháp lý, môi trường đầu kinh doanh, giảm thuế quan và các rào cản thương mại, nâng cao tiêu chuẩn an toàn và chất lượng cũng như đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Điều này không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn tác động tích cực đến phúc lợi, tiền lương và mức sống cho người dân.