Quy định và tiêu chuẩn gạo Trung Quốc
Luật này ra đời lần đầu tiên vào năm 2009 sau đó được sửa đổi và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2015. Luật An toàn thực phẩm Trung Quốc gồm 10 chương và 154 điều khoản tập trung chủ yếu vào một số vấn đề về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; quá trình sản xuất và thương mại; giám định thực phẩm; xuất nhập khẩu thực phẩm; trách nhiệm pháp lý...
Luật này đã nâng cao mức phạt đối với những doanh nghiệp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; cơ chế xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức có các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng cơ chế truy xuất đối với những thực phẩm có vấn đề. Cơ chế truy xuất thực phẩm đã tăng cường trách nhiệm chủ thể trong an toàn thực phẩm của nhà sản xuất và kinh doanh.
Nhằm tăng cường công tác kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm nói chung và gạo nói riêng, Chính phủ Trung Quốc đã ủy quyền giám sát, kiểm tra cho các đơn vị:
- Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc có trách nhiệm dự thảo Luật và các quy định liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng; lên kế hoạch xây dựng hệ thống các chương trình đánh giá mức độ rủi ro đối với sử dụng sản phẩm không sạch…
- Bộ Nông nghiệp Trung Quốc có trách nhiệm đưa ra mức giới hạn sử dụng cho phép và giám sát mức độ sử dụng các nguyên liệu đầu vào bao gồm phân bón, thuốc trừ sâu, các loại thuốc cấm sử dụng trong nông nghiệp; giám sát quá trình chế biến nông sản và quá trình lưu trữ sản phẩm đầu ra…
- Cục Quản lý dược và thực phẩm Trung Quốc có trách nhiệm cùng Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc tham gia dự thảo Luật và các quy định liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; tham gia quản lý và giám sát thực phẩm gồm các thực phẩm có lợi cho sức khỏe, các thực phẩm gây nghiện; giám sát quá trình lưu thông hàng hóa và tiêu dùng nội địa …
- Tổng cục giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch Trung Quốc có trách nhiệm giám sát, quản lý việc kiểm dịch động thực vật sống; giám định hàng hóa xuất nhập khẩu; giám sát quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa; theo dõi mức độ an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu…
Căn cứ trên tình hình thực tế tại thị trường nội địa, Trung Quốc đưa ra nhiều tiêu chuẩn quốc gia về kiểm soát vệ sinh an toàn và chất lượng thực phẩm. Một số tiêu chuẩn quốc gia quan trọng đối với kiểm soát an toàn vệ sinh và chất lượng gạo như sau:
- Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia về nồng độ tối đa của độc tố trong thực phẩm (Tiêu chuẩn GB 2761-2011);
- Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia về nồng độ tối đa của chất gây ô nhiễm trong thực phẩm (Tiêu chuẩn GB 2762-2012);
- Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia về dư lượng tối đa của thuốc trừ sâu trong thực phẩm (Tiêu chuẩn GB 2763-2014);
- Tiêu chuẩn vệ sinh đối với hạt (Tiêu chuẩn GB 2715-2005);
- Tiêu chuẩn về gạo (Tiêu chuẩn GB 1354-2009) bao gồm gạo thường và gạo chất lượng cao.
Chi tiết, xem tại đây.
Đây là 05 tiêu chuẩn được Tổng cục giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp nhấn mạnh và yêu cầu các quốc gia xuất khẩu gạo sang Trung Quốc trong đó có các quốc gia trong khối ASEAN phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia trên.