Nhật Bản thay đổi mức giới hạn tối đa cho phép của Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam
Đây là mức dư lượng cao hơn khá nhiều so với mức 0,02~0,06 ppm được áp dụng trước đây. Đồng thời, Nhật Bản dự kiến sẽ xem xét bãi bỏ việc kiểm tra mức tồn dư chất ethoxyquin đối với 100% các lô hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam. Với quy định mới này, chắc chắn xuất khẩu tôm của Việt Nam nói riêng và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản năm 2014 sẽ có nhiều khởi sắc.
Từ năm 2006 đến nay, Nhật Bản liên tục áp dụng các rào cản kỹ thuật rất chặt chẽ đối với thủy sản nhập khẩu, đặc biệt là quy định kiểm soát tồn dư tối đa cho phép (MRL) đối với một số hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thủy sản. Các hóa chất, kháng sinh này đã được Ủy ban Tiêu chuẩn hóa quốc tế (CODEX) đánh giá rủi ro và đưa ra các mức nhập lượng hàng ngày chấp nhận được (ADI). Trên cơ sở đó, các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ... đã thiết lập mức MRL của hóa chất, kháng sinh trong các sản phẩm thủy sản. Nhật Bản thường không thừa nhận ngay các kết quả này của CODEX và luôn tiến hành đánh giá lại để áp dụng mức ADI đặc thù. Trong thời gian đánh giá lại kết quả (kéo dài từ 2-2,5 năm), Nhật Bản thường áp dụng mức MRL mặc định rất thấp.
Đối với tôm nhập khẩu, với lý do vẫn đang trong thời gian đánh giá lại kết quả của CODEX, Nhật Bản đã áp dụng mức MRL của chất Ethoxiquin đối với tôm nhập khẩu thấp hơn mức mà EU đang áp dụng khá nhiều (10 lần). Đặc biệt, từ ngày 31/8/2012 Nhật Bản đã áp dụng tần suất kiểm tra 100% lô tôm Việt Nam với hàm lượng Ethoxyquin cho phép rất thấp đã gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Nhật Bản trong thời gian qua.
Tôm là mặt hàng thủy sản xuất khẩu hàng đầu vào thị trường Nhật Bản, do vậy đề xuất Nhật Bản nâng mức MRL của Ethoquyxin trong tôm nhập khẩu nhằm hỗ trợ xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Nhật Bản luôn là một trong những nội dung được Chính phủ và các cơ quan liên quan của Việt Nam ưu tiên đề cập với phía Nhật Bản trong trong các cuộc tiếp xúc giữa hai Bên.