Kinh tế Braxin và quan hệ thương mại với Việt Nam 8 tháng đầu năm 2012
Xu thế phát triển kinh tế Braxin năm 2012
Braxin là thị trường rộng, dân số hơn 190 triệu người, giàu tài nguyên, khóang sản. Với nỗ lực của Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Braxin đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, quy mô kinh tế đã vươn lên hàng thứ 6 trên thế giới, nền công nghiệp phát triển nhất Mỹ Latinh. Trong ba năm qua, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới, kinh tế Braxin cũng gặp khó khăn, nhiều ngành nghề bị thu hẹp sản xuất, giảm việc làm. Chính phủ Braxin đã tích cực áp dụng các biện pháp bình ổn kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư, đưa ra các gói kích cầu, thúc đẩy sản xuất: giảm thuế đối với hàng công nghiệp, giảm giá điện cho người tiêu dùng, giữ giá nhiên liệu sinh học, liên tiếp đưa ra các gói tài chính hàng chục tỷ USD nhằm kích thích đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ, kìm chế được lạm phát ở mức thấp (4,5% năm), giảm lãi suất cơ bản ngân hàng (8% năm), giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, giảm tỷ lệ nợ xấu ngân hàng, thu hẹp mức chênh lãi xuất ngân hàng giữa cho vay và lãi xuất huy động vốn...
Tuy nhiên các biện pháp thúc đẩy kinh tế chưa đem lại kết quả rõ nét như mong đợi. Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2012 đạt dưới mức 2%. Cán cân thương mại có thể bị thâm hụt và suy giảm so với năm trước. Trong 10 năm qua, tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Braxin ra thị trường thế giới đạt trên 15% năm, quy mô xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu. Duy nhất vào năm 2009 khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới diễn ra, tăng trưởng xuất khẩu của Braxin bị giảm 22% so với năm trước.
Trong 8 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều của Braxin với thế giới đạt 308,02 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 160,5 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ, nhập khẩu đạt 147,4 tỷ USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ. Xu thế kết quả thương mại trong năm 2012 của Braxin với thế giới cùng với nhiều tác động trái chiều tới nền kinh tế dẫn tới các biện pháp tăng cường bảo vệ nền sản xuất công nghiệp trong nước, nâng cao cạnh tranh hàng hóa nội địa, dự kiến tăng thuế nhập khẩu. Nhiều nhà kinh tế cho rằng việc tăng thuế nhập khẩu có thể kéo theo tăng giá hàng hóa và gây lạm phát.
Trao đổi thương mại Việt Nam với Braxin tăng cao
Mặc dù thị trường hai nước cũng bị tác động ảnh hưởng, song quan hệ thương mại Việt Nam và Braxin không ngừng mở rộng. Trong 8 tháng đầu năm 2012, trao đổi thương mại hai chiều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Braxin đạt 1,189 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 455,2 triệu USD tăng 22,3%, nhập khẩu đạt 734 triệu USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ.
Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm: giày dép các loại (180,3 triệu USD, chiếm 39,5%), thủy sản (40 triệu USD, chiếm 8,7%), máy tính, điện tử, tin học (34,2 triệu USD, chiếm 7,5%), máy móc, thiết bị, phụ tùng (31,4 triệu USD, chiếm 6,8 %), phương tiện vận tải và phụ tùng (25,4 triệu USD chiếm 5,5 %), dệt may (24,5 triệu USD chiếm 5,3%, điện thoại và linh kiện (17 triệu USD chiếm 3,8%), Xơ sợi dệt các loại (15,8 triệu chiếm 3,4 %), cao su và SP cao su (17,2 triệu USD chiếm 3,8 %), sản phẩm từ sắt thép (5,7 triệu USD chiếm 1,0%).
Các mặt hàng nhập khẩu chính, chủ yếu để phục vụ sản xuất trong nước gồm thức ăn gia súc và nguyên liệu (129,6 triệu USD, chiếm 17,5%), bông các loại (68,3 triệu USD, chiếm 9,2%), nguyên liệu dệt may, da giày (38,8 triệu USD, chiếm 5,2%), nguyên liệu thuốc lá (37,4 triệu USD, chiếm 5,1%), sắt thép các loại (27,5 triệu USD, chiếm 3,7 %), máy, thiết bị, phụ tùng ô tô (17,2 triệu USD, chiếm 2,4%), gỗ và sản phẩm gỗ (16,7 triệu USD, chiếm 2,3%), hóa chất và chất dẻo nguyên liệu (10,1 triệu USD, chiếm 1,3%), rau quả (2,2 triệu USD, chiếm 0,2%).
Nhờ sự quan tâm của Nhà nước ta và sự năng động vượt khó của các doanh nghiệp trong thâm nhập thị trường, dự tính tốc độ tăng trưởng này vẫn được duy trì trong thời gian tới.