Môi trường kinh doanh tại UAE
Theo số liệu của IMF, năm 2009, kinh tế UAE tăng trưởng 4,8%, năm 2011 tăng trưởng 1,3%, năm 2012 tăng 4,2%, năm 2013 tăng 4% và dự kiến năm 2014 tăng 4%. Theo tính toán của Ngân hàng Trung ương UAE, khu vực dầu mỏ đóng góp khoảng 38,4% GDP năm 2011, và 40% GDP năm 2013.
“Tầm nhìn kinh tế Abu Dhabi 2030” (Abu Dhabi’s Economic Vision 2030) và “Kế hoạch chiến lược Dubai 2015” (Dubai’s Strategic Plan 2015) là hai định hướng chính sách lớn của thành phố Abu Dhabi và Dubai về đa dạng hóa nền kinh tế. Theo đó, hai thành phố này sẽ tập trung thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp nặng, vận tải, hóa dầu, du lịch, công nghệ thông tin, viễn thông, năng lượng tái tạo, hàng không, dịch vụ dầu khí. Ở cấp liên bang, UAE đang theo đuổi “Tầm nhìn 2021” (2021 Vision) với mục tiêu xây dựng một nền kinh tế dựa trên tri thức, có năng suất cao và khả năng cạnh tranh cao với trọng tâm đặt vào sự sáng tạo, đổi mới, nghiên cứu và phát triển, khoa học và công nghệ.
Chính phủ UAE hiện nay đang tập trung các khoản chi tiêu công vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, tạo việc làm, phát triển khu vực kinh tế tư nhân. UAE chi tiêu hàng chục tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng và là thị trường dự án lớn nhất tại khu vực bán đảo Ả-rập, chiếm tới 37% tổng giá trị của các dự án trong lĩnh vực xây dựng, dầu khí, hóa dầu, điện, nước và xử lý chất thải của khu vực.
Năm 2013, UAE đứng thứ 8 trong số các quốc gia cạnh tranh nhất thế giới theo xếp hạng của cuốn “Niên giám cạnh tranh toàn cầu 2013” (Global Competitiveness Yearbook, 2013) của Học viện Phát triển Quản lý Quốc tế (International Institute of Management Development) tại Thụy Sỹ. Đây là một bước tiến lớn so với vị trí thứ 16 năm 2012 và 28 năm 2011. Cũng tại cuốn niên giám này, UAE được xếp hạng đứng thứ 3 trên thế giới xét về “hiệu quả Chính phủ” (government efficiency), sự gắn kết xã hội (social cohesion), đứng thứ 4 về phát triển kinh tế (economic performance), thứ 5 về tạo việc làm (employment) và thứ sáu về quản lý (management practices).
Theo một báo cáo khác: Báo cáo cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report 2012-2013 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum), UAE đứng thứ 24 trên thế giới về Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Index (GCI)), đứng thứ 8 về chất lượng cơ sở hạ tầng, đứng thứ 5 về chỉ số thị trường hàng hóa hoạt động hiệu quả (highly efficient goods markets), đứng thứ 7 về môi trường kinh tế vĩ mô ổn định (strong macroeconomic stability).
Theo một báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum) năm 2012, UAE đứng thứ 19 trên thế giới xét về chỉ số tạo thuận lợi cho thương mại (Enbabling Trade Index). UAE nằm trong số 10 nước có thủ tục xuất nhập khẩu hiệu quả nhất trong số 132 nước được xếp hạng. Một số lĩnh vực của UAE được WEF đánh giá cao gồm: quản lý biên mậu (UAE đứng thứ 11 trên thế giới), cơ sở hạ tầng vận tải và viễn thông (đứng thứ 18 trên thế giới), môi trường kinh doanh (xếp thứ 12 trên thế giới).
Theo báo cáo “Doing Business Report 2013” của World Bank, UAE đứng thứ 26 trong số 183 nước được xếp hạng về chỉ số “Doing Business Index”. Chỉ số này được hình thành trên cơ sở tổng hợp đánh giá trong 11 lĩnh vực như thương mại qua biên giới, thủ tục nộp thuế, thủ tục xin cấp phép xây dựng, cấp điện cho các dự án, đăng ký bất động sản)