Nhập khẩu than của Trung Quốc tăng vọt trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng
Nhập khẩu than của Trung Quốc đã tăng mạnh trong tháng 9 và giá lên mức cao kỷ lục do các nhà máy điện tranh giành nhiên liệu trong bối cảnh thiểu điện làm gián đoạn hoạt động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Khối lượng nhập khẩu than hàng tháng của Trung Quốc từ năm 2015 tới nay
Dữ liệu chính thức hôm thứ Tư cũng cho thấy, nhập khẩu than của Trung Quốc trong tháng 9 đã tăng lên mức cao nhất trong năm nay với 32,88 triệu tấn, tăng 76% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, một quan chức tỉnh Sơn Tây cho biết hôm 12/10 rằng, chính quyền địa phương ở các khu vực sản xuất than hàng đầu của Trung Quốc như Sơn Tây và Nội Mông đã đặt hàng khoảng 200 mỏ để tăng sản lượng, nhưng tình trạng mưa không ngớt đã làm ngập 60 mỏ ở Sơn Tây. Trong đó, có 4 mỏ với tổng công suất hàng năm là 4,8 triệu tấn vẫn đóng cửa.
Mặt khác, các ngành công nghiệp tiêu thụ điện năng nhiều như thép, nhôm, xi măng và sản xuất hóa chất dự kiến sẽ phải đối mặt với chi phí điện năng cao hơn và biến động hơn theo chính sách mới, làm tăng chi phí và gây áp lực lên biên lợi nhuận.
Tuy nhiên, bất chấp sự gián đoạn về khủng hoảng năng lượng, dữ liệu vừa được công bố vào ngày 13/10 cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu nói chung của Trung Quốc bất ngờ tăng nhanh trong tháng 9 do nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ đã bù đắp cho tình trạng thiếu điện và các vấn đề khác.
Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics cho biết: “Mặc dù cho đến nay, việc phân bổ điện dường như không làm ngành xuất khẩu bị trật bánh, nhưng vẫn có nguy cơ có điều đó có thể xảy ra trong những tuần tới”.
Các nhà máy ở các tỉnh phía Đông Quảng Đông và Chiết Giang đã được yêu cầu dừng sản xuất trong suốt tuần qua.
"Trong khi các quan chức đã nói rõ rằng trọng tâm của việc phân bổ điện sẽ là các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng như kim loại và hóa chất. Tuy nhiên, sự sụt giảm sản lượng của những ngành này có thể ảnh hưởng qua chuỗi cung ứng và gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu ở hạ nguồn”, ông Julian Evans-Pritchard cho biết.
Phòng Thương mại châu Âu cho biết, một số công ty châu Âu ở Trung Quốc đang phải đối mặt với sự chậm trễ trong đơn đặt hàng, trong khi một số công ty khác không hài lòng về cách chính quyền Trung Quốc thông báo cho họ về việc cắt điện đôi khi vào đêm muộn.
Trung Quốc vào ngày 13/8 đã yêu cầu các nhà máy thép ở 28 thành phố cắt giảm sản lượng trong mùa Đông ít nhất 30% để đạt được các mục tiêu về sản lượng và khí hậu.
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất gặp khó khăn về nguồn cung cấp điện và điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu và mất điện ở một số quốc gia. Cuộc khủng hoảng đã nêu bật khó khăn trong việc cắt giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế toàn cầu vào nhiên liệu hóa thạch khi các nhà lãnh đạo thế giới tìm cách hồi sinh nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu tại các cuộc đàm phán vào tháng tới ở Glasgow.