Giá dầu “nhảy múa”, mừng hay lo?
Chưa kịp hồi phục sau những tàn phá của đại dịch Covid-19 và đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, nền kinh tế thế giới lại đang lo đối phó với tình trạng giá dầu tăng cao kỷ lục trong 7 năm qua. Thế giới từng trải qua những “cơn sốc” giá dầu, nhưng liệu lần này tác động ra sao và hậu quả thế nào vẫn đang là câu hỏi bỏ ngỏ...
Dấu hiệu của phục hồi kinh tế?
Điều đáng ngạc nhiên là bất chấp sức ép của các nước tiêu thụ dầu mỏ lớn trên thế giới kêu gọi tăng mạnh sản lượng nhằm hạ nhiệt giá dầu thế giới, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) chỉ đồng ý tăng nhẹ sản lượng dầu thô khai thác. Theo đó, OPEC cùng với các đối tác tái khẳng định “quyết định điều chỉnh tăng tổng sản lượng (dầu thô) mỗi tháng thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng 12/2021”.
Giá dầu tăng chính là một tín hiệu cho thấy cần phải tăng sản lượng dầu thô và giảm mức tiêu thụ. Nhưng sự chần chừ của OPEC cùng các đối tác và nhu cầu năng lượng tăng cao sau một thời gian dài sụt giảm vì Covid-19, khiến khả năng này khó xảy ra. Lần tăng giá dầu kỷ lục này người ta không thấy bóng dáng của yếu tố chính trị như vẫn thường thấy trong những lần trước đây, mà chủ yếu do nhu cầu tăng vọt trong bối cảnh các nền kinh tế đều đang cố gắng phục hồi. Các chuyến bay, nhà máy, cơ sở sản xuất hoạt động trở lại, nhu cầu đi lại cũng tăng hơn sau một thời gian dài gần như tê liệt vì giãn cách xã hội, nên giới chuyên gia cho rằng sẽ phải mất một thời gian dài nữa nhu cầu năng lượng mới ổn định trở lại. Nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu lắng dịu nên khó có thể biết nền kinh tế thế giới nói chung và các nước nói riêng cần bao lâu để phục hồi.
Một trong những lý do khiến các nhà sản xuất dầu trên thế giới vẫn thận trọng trong việc tăng sản lượng là vì họ lo ngại đợt sụt giảm hồi năm ngoái vì đại dịch Covid-19. Xem ra mối lo ngại này là quá cẩn thận khi hầu hết các nước trên thế giới hiện nay đã chuyển đổi sang lựa chọn cách sống chung với Covid-19, thích ứng an toàn, linh hoạt thay vì chiến lược “zero Covid” như trước đây. Nhu cầu sẽ càng tăng mạnh khi nhiều nước nới lỏng các biện pháp phong tỏa và thúc đẩy kế hoạch phủ vắc-xin ngừa Covid-19. Nhưng sẽ khó ai có thể thuyết phục được các nhà cung cấp dầu hàng đầu thế giới thay đổi mục tiêu ổn định sản lượng của mình bởi họ mới chính là người nắm trong tay “vũ khí” dầu mỏ lợi hại.
Trong khi đó, nhu cầu dầu toàn cầu trên thế giới có thể tăng 5 triệu thùng/ngày trong năm nay, lên mức trung bình 97,4 triệu thùng/ngày, theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). EIA cũng dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu có thể tăng trở lại mức tương đương nhu cầu dầu thô trước đại dịch, đạt mức trung bình 101 triệu thùng/ngày vào năm 2022.
Bởi vậy có thể thấy nguồn cung không phải yếu tố đẩy giá dầu tăng cao như hiện nay mà chủ yếu do nhu cầu tăng vọt, theo đánh giá của chi nhánh tại New York thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Còn dưới cái nhìn lạc quan của các nhà kinh tế, giá dầu tăng là chỉ dấu cho thấy sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Thậm chí, Nhật báo Phố Wall đã có bài phân tích nhận định, đợt tăng giá dầu này khó có thể ảnh hưởng nhiều đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và nhu cầu tiêu dùng khởi sắc ở các nền kinh tế phát triển sẽ giúp các nước hạn chế tác động từ cú sốc giá dầu tăng cao.
Nỗi lo “không của riêng ai”
Bên cạnh những cái nhìn lạc quan là quan ngại về tác động tiêu cực đối với nền kinh tế trước tình trạng giá dầu tăng cao. Thế giới từng trải qua những lần giá dầu “phi mã” ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu, nhưng lần này xảy ra vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang chật vật hồi phục sau những tàn phá của đại dịch Covid-19, nên tác động được cảnh báo là khôn lường nếu không kịp thời có các hành động can thiệp thích hợp. Những ý kiến bi quan cho rằng giá dầu leo thang làm tăng thêm áp lực lạm phát cũng như cuộc khủng hoảng năng lượng, tác động tồi tệ tới nỗ lực phục hồi của các nền kinh tế. Giá dầu tăng vọt sẽ làm gia tăng thách thức lên chuỗi cung ứng của một số ngành công nghiệp kéo theo nguy cơ siêu lạm phát. Theo CNBC, điều không mong muốn đó là nguy cơ mất giá của đồng đô-la Mỹ và khả năng giá dầu vượt quá 180 USD/thùng vào năm 2022. Các ngân hàng trung ương ở một số nền kinh tế phát triển đang cảnh giác vì lạm phát gia tăng khiến giá lương thực và chi phí vận chuyển tăng mạnh.
Vậy nhưng, nỗi lo này lại chẳng phải “không của riêng ai”. Các nền kinh tế phát triển hiện nay thường ít bị ảnh hưởng bởi giá dầu tăng so với một thập kỷ trước đây do các ngành dịch vụ (vốn tiêu thụ ít năng lượng hơn các ngành công nghiệp nặng) đang chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng sản lượng quốc gia. Các nhà hoạch định chính sách châu Âu không coi giá dầu tăng là mối đe dọa đối với sự phục hồi của châu lục này, ít nhất là vào thời điểm hiện tại. Còn đối với Mỹ, nhà sản xuất dầu đá phiến lớn nhất thế giới, lại đang được hưởng lợi từ việc giá dầu tăng, sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi giá dầu giảm mạnh khi đại dịch ở giai đoạn đỉnh điểm. Các hộ gia đình ở Mỹ cũng như các nước giàu có khác được cho là đã tích lũy được một khoản tiền tiết kiệm lớn chưa từng có trong thời kỳ đại dịch, có thể giúp họ chống chọi được với tình trạng giá xăng dầu cao hơn.
Nhưng dù sao các nước được cho là có nền kinh tế phát triển vững vàng cũng không hoàn toàn thoát khỏi những “rung chấn” của giá dầu tăng, nhất là sau những tàn phá của đại dịch Covid-19. Người ta đã chứng kiến người dân xếp hàng dài mua xăng và tình trạng mất điện diện rộng ở Trung Quốc, Anh cũng như một số nước phát triển khác, khi giá dầu và khí đốt tăng cao. Lạm phát ở các nước Mỹ, Trung Quốc cũng như châu Âu đều tăng so với mức dự báo, ghi nhận ở thời điểm tháng 9/2021 khi giá dầu tăng và khủng hoảng năng lượng trở nên nghiêm trọng.
Còn những thị trường mới nổi và những quốc gia đang phát triển thường nhạy cảm hơn với giá dầu tăng cao vì thực phẩm và năng lượng chiếm tỷ trọng chi tiêu lớn hơn. Ngân hàng trung ương của một số nước, bao gồm Brazil đã buộc phải tăng lãi suất trong những tuần gần đây để chặn đà lạm phát gia tăng. Ở Brazil, Pakistan và một số nước khác, giá dầu tăng còn kéo theo tình trạng bất ổn xã hội tăng theo. Chính phủ các nước này buộc phải ứng phó bằng cách tăng lương cho nhân viên nhà nước vào đầu năm 2021.
Đối với Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo ước tính, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%. Đây là mức giảm được đánh giá là khá nhiều, cho thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang phải chịu những tác động rất mạnh của tình trạng giá xăng dầu biến động. Giá dầu thế giới tăng mạnh gây ra khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp vì giá năng lượng sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng tình trạng này trở nên đáng lo hơn vì kinh tế Việt Nam vốn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Giá xăng dầu thế giới tăng sẽ khiến giá nguyên vật liệu nhập khẩu và trong nước tăng theo. Vì vậy, Việt Nam cần phải có những giải pháp ứng phó linh hoạt để tránh để giá xăng dầu làm ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng kinh tế và đẩy lạm phát tăng, nhất là trong những tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022. Các doanh nghiệp cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất thông qua gói hỗ trợ tài chính, giảm thuế, thực thi các biện pháp điều chỉnh giá xăng dầu nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người dân, xử lý nghiêm các vi phạm để ổn định thị trường xăng dầu...