Cuộc khủng năng lượng làm ‘hồi sinh’ than đá đang hạ nhiệt
Tình trạng khan hiếm nhiên liệu gây mất điện ở khắp Trung Quốc và Ấn Độ đang dịu dần, mặc dù mùa Đông lạnh giá và nguồn cung hạn hẹp vẫn là một thách thức lớn.
Tờ Bloomberg đưa tin cuộc khủng hoảng năng lượng tại nền kinh tế chính của châu Á gây thiếu điện, khiến giá nhiên liệu tăng vọt và nguy cơ tăng trưởng chậm lại, đang từ từ hạ nhiệt.
Nguồn cung than đá – loại tài nguyên chính để sản xuất điện ở Trung Quốc và Ấn Độ - đang dần tăng trở lại sau khi các chính phủ yêu cầu thợ mỏ nhanh chóng đẩy mạnh sản lượng cũng như dỡ bỏ hạn chế nhập khẩu, cho phép các nhà máy điện và người tiêu thụ công nghiệp lớn tái xây dựng nguồn dự trữ.
Chỉ còn vài tỉnh ở Trung Quốc vẫn phải đối mặt với tình trạng mất điện do nguồn cung cấp nhiên liệu bị thắt chặt, giảm bớt với khoảng 20 tỉnh vào giữa tháng 10. Trong khi đó, giá điện giao ngay tại Ấn Độ đã giảm khi tình trạng thiếu điện được giải quyết.
“Cả hai quốc gia tiếp tục đối mặt với một số rủi ro về nguồn cung mùa Đông, nhưng tình trạng thiếu hụt đã được kiểm soát”, ông Xizhou Zhou, Giám đốc điều hành năng lượng và năng lượng tái tạo toàn cầu tại IHS Markit có trụ sở tại Washington, cho biết.
Giá than toàn cầu đã tăng kỷ lục do nguồn cung bị siết chặt, làm tăng lợi nhuận cho các công ty khai thác, từ Glencore Plc đến China Shenhua Energy Co., đã giảm trong những tuần gần đây. Than nhiệt chất lượng cao tại cảng Newcastle ở Australia - khu vực là thị trường lớn nhất của nhiên liệu này - đã giảm hơn 1/3 kể từ tháng trước. Giá than nhiệt giao sau ở Trung Quốc đã giảm gần 50% kể từ đợt tăng mạnh vào giữa tháng 10.
Sự thay đổi nguồn cung cấp năng lượng của khu vực này diễn ra sau một loạt biện pháp can thiệp của chính phủ. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều thúc đẩy các công ty khai thác tăng tốc sản xuất than. Giới chức trách Bắc Kinh cũng đã chuyển sang giới hạn giá nhiên liệu, bãi bỏ một số mức giá cố định đối với điện, hạn chế xuất khẩu nhiên liệu và tăng cường mua khí đốt và dầu diesel từ nước ngoài.
Cuộc chạy đua để bổ sung thêm nhiều nhiên liệu hóa thạch cũng đã thu hút chú ý vào sự phục hồi của lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu trong năm nay, cũng như là thách thức lớn mà Ấn Độ và Trung Quốc phải đại tu hệ thống năng lượng của họ và đáp ứng các mục tiêu cắt giảm khí thải mà họ đã đề ra trong những ngày gần đây tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 của Liên hợp quốc.
Sản lượng than hàng ngày của Trung Quốc đã tăng hơn 1 triệu tấn trong những tuần gần đây lên 11,67 triệu tấn và có khả năng sẽ vượt qua mục tiêu của chính phủ về sản lượng 12 triệu tấn một ngày. Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết trong báo cáo nghiên cứu tuần này, việc tăng giá đang vượt quá kỳ vọng và giảm thâm hụt nguồn cung một cách có ý nghĩa.
Tồn kho than tại các nhà máy điện của Ấn Độ đã tăng lên 11,2 triệu tấn vào hôm 2/11 từ mức thấp của tháng trước là 7,2 triệu tấn. Các nhà tiêu thụ công nghiệp lớn, có nguồn cung cấp than hạn chế do chính quyền ưu tiên các nhà máy điện, cũng đang thấy tình hình được cải thiện.
Giám đốc điều hành Sunil Duggal tại công ty sản xuất kim loại Vedanta Ltd. đã có trữ lượng than trong 4 - 5 ngày kể từ tuần trước tăng so với mức cung cấp tương đương một ngày vào thời điểm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng.
Michelle Leung, nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence, cho biết: “Tình trạng thiếu điện đã giảm bớt. Các nước đang tăng cường sản xuất than. Tốc độ đã khá ấn tượng”.
Hoạt động công nghiệp phục hồi sau đại dịch làm tăng thêm nhu cầu về điện cộng với việc nguồn cung than giảm ở hai quốc gia tiêu thụ nhiều nhất đã kích hoạt cuộc khủng hoảng điện năng nghiêm trọng này. Sản lượng bị hạn chế ở Ấn Độ khi mưa lớn làm ngập các trung tâm sản xuất chính, trong khi Trung Quốc giảm công suất và áp đặt các tiêu chuẩn an toàn khắt khe hơn khiến tỷ lệ sản xuất giảm.
Tuy nhiên, vẫn có những thách thức đang diễn ra. Bộ trưởng Than Ấn Độ Pralhad Joshi đã yêu cầu công ty khai thác nhà nước Coal India Ltd. đảm bảo trữ lượng tại các nhà máy điện đạt mức nhiên liệu trung bình 18 ngày vào cuối tháng này, tăng so với nguồn cung sáu ngày kể từ hôm 2/11.
Ông A.S. Mehta, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất giấy Ấn Độ và là giám đốc tại JK Paper - một trong những nhà cung cấp giấy lớn nhất của đất nước – cho hay trong khi hoạt động không bị gián đoạn, các công ty phải đối mặt với tác động đáng kể về chi phí do nhu cầu cạnh tranh trong các cuộc đấu giá than hoặc chuyển sang hàng nhập khẩu đắt đỏ.
Tại Trung Quốc, một số cơ sở sản xuất điện vẫn chưa hoàn thành việc dự trữ trong mùa Đông và khẳng định chỉ có nguồn cung bổ sung hạn chế. Một số lĩnh vực công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng tiếp tục bị cắt giảm điện, hoặc phải đối mặt với chi phí điện cao hơn đáng kể.
Theo Văn phòng thời tiết quốc gia Trung Quốc, nhu cầu sưởi ấm sẽ tăng lên trong những ngày tới khi nhiệt độ có thể giảm từ 8 đến 10 độ C. Khu vực miền Trung và miền Đông quốc gia này cũng được dự báo sẽ lạnh hơn vào tháng 1 và tháng 2 so với một năm trước do hiện tượng La Nina.