Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu phủ bóng hội nghị khí hậu COP26
Một số nhà phân tích cho rằng, COP26 sẽ là dịp để các nhà lãnh đạo châu Âu nhìn nhận những sai lầm của mình và rút ra bài học kinh nghiệm khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.
Cuộc khủng hoảng được cho là sẽ trở nên tồi tệ hơn trong mùa Đông khi nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng, đặc biệt ở các khu vực đông dân cư. Thực tế này không chỉ cho thấy sự phụ thuộc quá lớn của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch mà còn đặt ra thách thức với chiến lược dài hạn EU, nhằm thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo. Một số nhà phân tích cho rằng, COP26 sẽ là dịp để châu Âu nhìn nhận những sai lầm của mình và rút ra bài học kinh nghiệm xương máu.
Trong một thập kỷ qua, châu Âu đã quá vội vã khi theo đuổi tầm nhìn cho rằng, các nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như năng lượng mặt trời và gió có thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu năng lượng của họ. Một số quốc gia như Đức đã đầu tư nhiều kinh phí cho việc phát triển năng lượng tái tạo, theo “Thỏa thuận Xanh mới” đầy tham vọng nhằm đưa châu Âu trở thành lục địa đầu tiên không khí thải (chỉ tiêu khí thải bằng 0) vào năm 2050, trong khi nhanh chóng cắt giảm các nguồn năng lượng khác không phù hợp với tầm nhìn của họ.
Nhiều nước thậm chí bỏ qua những lo ngại về việc xây dựng một nền kinh tế sử dụng năng lượng tái tạo và vội vã từ bỏ những nguồn năng lượng cơ bản hiện nay chẳng hạn như năng lượng hạt nhân và khí đốt tự nhiên. Kết quả là châu Âu phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung, giá khí nhiên liệu cao kỷ lục và phải phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Kể từ đầu năm đến nay, giá khí đốt giao ngay trên thị trường đã tăng gấp 5 lần.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung kết hợp với nhu cầu khí đốt gia tăng trên toàn cầu nhằm phục vụ cho quá trình tái thiết kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đã khiến lượng dự trữ khí đốt tự nhiên của “lục địa già” cạn kiệt. Theo dự báo, cuộc khủng hoảng nhiên liệu tại châu Âu chưa có dấu hiệu giảm nhiệt và giá khí đốt tại lục địa này sẽ còn leo thang tới hết mùa đông năm nay. Bloomberg cho biết, tình trạng trên có thể làm suy yếu đà phục hồi kinh tế của khu vực châu Âu, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.
Mặc dù không thể đổ lỗi cho các nhà hoạch định chính sách châu Âu về sự gián đoạn nguồn cung trên thị trường, nhưng giá khí đốt tăng cao đỉnh điểm trong lịch sử đã bộc lộ những lỗ hổng về năng lượng tại khu vực này. Đánh giá của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng “châu Âu hiện giờ đã quá phụ thuộc vào khí đốt và quá phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt” được coi là sự phơi bày những lỗ hổng đó.
EU cần nhìn thẳng vào những sai lầm
Trong khi Mỹ tăng cường khai thác khí tự nhiên và coi đây như sự chuyển đổi hữu ích nhằm thay thế cho việc sử dụng than đá thì Liên minh châu Âu lại theo đuổi hướng đi khác, không khuyến khích khai thác khí đốt tự nhiên bằng cách đánh thuế carbon và trong một số trường hợp cấm hoàn toàn hoạt động này. Hiện tại, ở Châu Âu tỷ lệ các mỏ khí đang hoạt động là 74% so với mức 94% vào năm 2020. Mỹ đã có được sự độc lập về năng lượng và đạt được mức giảm phát phải lớn so với nhiều quốc gia. Trái lại, châu Âu ngày càng phụ thuộc vào việc nhập khẩu khí đốt, chủ yếu từ Nga.
Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của EU, chiếm khoảng 40% lượng khí mà khối này nhập khẩu. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước tuyên bố Moscow sẵn sàng gia tăng nguồn cung nếu các nước thành viên EU yêu cầu. Giá khí đốt tại châu Âu đã giảm vào ngày 28/10 vừa qua sau khi ông Putin yêu cầu tập đoàn dầu khí Gazprom bắt đầu bơm khí đốt vào các kho dự trữ của họ ở Đức và Áo.
Ralph Schoellhammer, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học tư nhân Webster Vienna ở Áo cho rằng việc kiểm soát các nguồn năng lượng đáng tin cậy đã mang lại cho Nga “lợi thế địa chính trị”.
“Không phải ngẫu nhiên Tổng thống Putin bày tỏ lập trường cứng rắn hơn trong các bài phát biểu liên quan đến NATO và quyết định không tham gia cả Hội nghị Thượng đỉnh G20 lẫn hội nghị COP26. Tương tự như phản ứng của OPEC năm 1973 – thời điểm các nước xuất khẩu dầu áp đặt lệnh cấm với phương Tây, Nga coi nguồn cung khí đốt của mình là đòn bẩy để đạt được các lợi ích kinh tế và chính trị”.
Trước đó, một số quan chức châu Âu đã cáo buộc Tổng thống Putin “vũ khí hóa” khí đốt để gây sức ép buộc châu Âu phải cấp phép cho Dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Philip Walsh, giáo sư về kinh doanh và chiến lược tại Đại học Ryerson ở Toronto nhận xét: “Là quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới, Nga thể quyết định tăng hay giảm việc cung cấp khí đốt cho châu Âu. Lợi thế vẫn nghiêng về phía Moscow trong các cuộc đàm phán về giá cả, đặc biệt nếu nhu cầu của châu Âu tăng đột biến”.
Cây bút Christopher Barnard của Washington Examiner cho rằng dù coi việc giảm nguồn cung khí đốt của Nga là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng nhiên liệu hiện nay, châu Âu vẫn phải nhìn thẳng vào những sai lầm đã dẫn đến tình trạng khó khăn này. Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đã ẩn mình trong bóng tối suốt nhiều năm qua và giờ là lúc các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần phải tìm ra hướng đi đúng đắn nhằm đảm bảo an ninh năng lượng./.