Châu Âu đẩy nhanh các giải pháp ứng phó khủng hoảng năng lượng
Các nước châu Âu đang đẩy nhanh các biện pháp ngắn và trung hạn để ứng phó với giá điện và khí đốt tăng cao kỷ lục gần đây, trong đó có nhóm phương án được gọi là "hộp công cụ" mà Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố hồi giữa tuần.
Nhằm giải quyết khủng hoảng năng lượng, 20 quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đã nhất trí đưa ra các biện pháp khẩn cấp, bao gồm cắt giảm thuế năng lượng và trợ cấp cho các hộ gia đình khó khăn.
Công nhân điện lực lắp đặt đường dây điện cao thế mới ở Hanau, Đức, ngày 10/8/2020. (Ảnh: Reuters)
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ nhóm họp từ ngày 21 đến 22/10 tới đây để bàn thảo các giải pháp để giảm thiểu những tác động của giá nhiên liệu tăng, trong đó có nhóm phương án được gọi là "hộp công cụ" mà Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố hồi giữa tuần, cho phép các nước thành viên EU áp dụng các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp trong ngắn hạn cho các công ty châu Âu và người tiêu dùng dễ bị tổn thương nhất.
Tính đến nay, 20 quốc gia thành viên EU đã áp dụng các biện pháp nêu trên, bao gồm áp giá trần, cắt giảm thuế năng lượng và trợ cấp cho các hộ gia đình khó khăn.
Trong đó, ngày 15/10, Đức công bố kế hoạch cắt giảm 42,7% thuế tiêu thụ điện cho người tiêu dùng, nhằm thúc đẩy các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo. Theo đó, mức thuế này sẽ được cắt giảm xuống còn 3,723 euro cent/kWh, bắt đầu từ ngày 1/1 năm sau.
Chính phủ Đức sẽ bù vào khoản cắt giảm này khoảng 3,25 tỷ euro (3,77 tỷ USD) từ nguồn thu thuế carbon theo Luật năng lượng tái tạo (EEG) để hỗ trợ sản xuất điện gió và điện mặt trời.
Cùng ngày, Ba Lan công bố gói hỗ trợ chi phí năng lượng trị giá 1,5 tỷ zlotys (khoảng 380 triệu USD) cho 2,6 triệu hộ gia đình nước này, trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao trong thời gian gần đây. Theo Bộ trưởng Khí hậu Michal Kurtyka, mỗi hộ gia đình bốn người của Ba Lan có thể được hỗ trợ lên tới 700 zloty mỗi năm.
Thủ tướng Mateusz Morawiecki thông tin thêm, Ba Lan đã lên kế hoạch phân bổ ít nhất 1,5 tỷ zlotys cho các khoản trợ cấp năng lượng vào năm sau, và con số này hoàn toàn có thể được nâng lên tới 3-5 tỷ zlotys (tương đương 763 triệu USD - 1,27 tỷ USD).
Ngoài ra, EC cũng cho biết sẽ đánh giá các biện pháp mà EU có thể thực hiện trong trung hạn và dài hạn để giảm thiểu biến động tăng giá quá mức, tăng khả năng phục hồi năng lượng của EU và bảo đảm quá trình chuyển đổi xanh sang nguồn năng lượng tái tạo thành công.
Sau hội nghị thượng đỉnh vào ngày 21-22/10 tới đây, các bộ trưởng năng lượng EU sẽ tổ chức một cuộc họp bất thường trong ngày 26/10 để thảo luận về vấn đề giá năng lượng tăng cao đột biến.
Các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ yêu cầu Ngân hàng Đầu tư châu Âu xem xét tăng đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh, nhằm giảm thiểu rủi ro gián đoạn nguồn cung năng lượng trong tương lai.
Trong bối cảnh EU đang trong quá trình thống nhất một gói chính sách lớn nhằm chống biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi nhanh chóng sang năng lượng sạch được EC xem là biện pháp hiệu quả nhất trước những đợt tăng giá đột biến của nhiên liệu hóa thạch trong tương lai, cũng như giảm thiểu rủi ro vì phải phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng, bà Kadri Simson khẳng định: “Cách duy nhất để tách khí đốt hoàn toàn ra khỏi việc sản xuất điện là không sử dụng nó để tạo ra điện nữa. Đây là mục tiêu dài hạn của EU, nhằm thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo".
Brussels sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể trong năm tới để đẩy nhanh quy trình cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo, đồng thời thúc đẩy các quốc gia thành viên tăng chi từ quỹ phục hồi hậu Covid-19 của EU cho phát triển năng lượng sạch.