Các nước đối phó giá xăng dầu tăng cao thế nào?
Một số nước áp dụng giá trần, một số giảm thuế, phí,... “cho đến khi không chịu được nữa” để đối phó với tình trạng giá xăng dầu tăng chóng mặt.
Giá dầu toàn cầu đang có nguy cơ tăng trên 130 USD/thùng, trong khi đó giá các nguyên liệu thô ngày càng trở nên đắt đỏ hơn, gây gánh nặng tăng giá cho các nền kinh tế.
Các nước đối phó giá xăng dầu tăng
Theo Nikkei Asia, tại Thái Lan, đầu tháng 3, chính phủ tuyên bố sẽ duy trì mức trần đối với giá bán lẻ dầu diesel ở 30 bath (0,9 USD)/lít, để giảm tác động của giá tăng đối với người tiêu dùng. “Chúng ta sẽ giữ giá dưới 30 bath cho đến khi không chịu được nữa”, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nói hôm 9/3.
Nội các nước này cũng quyết định bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel và dầu nhiên liệu (bunker oil) do Cơ quan Phát điện Thái Lan (EGAT) sử dụng, cho đến ngày 15/9. Việc giảm thuế này được kỳ vọng giúp giảm giá hàng tiêu dùng vì giúp cắt giảm các hóa đơn tiền điện.
Chính phủ Thái Lan khuyến khích người nhân tiết kiệm năng lượng bằng cách hạn chế lái xe và làm việc ở nhà, tắt bớt đèn không dùng đến và thường xuyên vệ sinh điều hòa.
Để trợ cấp cho công chúng, Thái Lan rút ngân sách từ Quỹ Dầu mỏ nhà nước. Quỹ này dự kiến sẽ huy động một khoản vay trị giá 30 tỷ bath vào tháng 4.
Các nước Đông Nam Á khác cũng đang tìm cách đối phó với tình trạng giá xăng dầu tăng. Philippines phê duyệt gói trợ cấp 3 tỷ peso (60 triệu USD) nhiên liệu cho giao thông công cộng và nông nghiệp.
Singapore cũng cho biết đã sẵn sàng hành động. "Trong khi các nguồn nhiên liệu của Singapore khá đa dạng và cuộc xung đột ở Ukraine chỉ gây ra những rủi ro tương đối hạn chế đối với nguồn cung của chúng tôi, chúng tôi vẫn sẽ bị ảnh hưởng khi giá khí đốt toàn cầu cao hoặc các bất ổn phát sinh", ông Tan See Leng, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore nói hôm 11/3.
Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, và sẽ không ngần ngại đưa ra các biện pháp tiếp theo nếu cần thiết để hỗ trợ những người tiêu dùng dễ bị tổn thương”.
Indonesia cố gắng duy trì giá đối với hầu hết các loại xăng có trợ cấp. Công ty xăng dầu nhà nước Pertamina có hơn 80% doanh số là xăng được trợ cấp, đã không thay đổi giá trong thời gian đại dịch.
Tuy nhiên Bộ Năng lượng của nước này ngày 27/2 thừa nhận chi tiêu trợ cấp sẽ tăng vượt mức ngân sách. Chính phủ Indonesia đã phân bổ 77,5 nghìn tỷ rupiah (5,3 tỷ USD) cho các khoản trợ cấp nhiên liệu và dầu hóa lỏng trong năm nay, dựa trên giá dầu thô giả định là 63 USD/thùng. Đối với mỗi lần tăng giá 1 USD/thùng, Indonesia phải bổ sung ước tính 2,65 nghìn tỷ rupiah trợ cấp nhiên liệu cho các phương tiện giao thông.
Tại châu Âu, giá xăng dầu tăng dường như đang trở thành “bình thường mới”.
Bộ trưởng Bộ Xã hội Hà Lan Karien van Gennip cho biết nội các nước này đang phân bổ 2,8 tỷ euro để phục hồi sức mua năng lượng trong năm nay. Hà Lan cũng sẽ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu từ ngày 1/4 và thuế VAT đối với năng lượng kể từ ngày 1/7.
Những người có thu nhập thấp sẽ được hưởng trợ giá năng lượng 800 euro, tăng từ mức 200 euro được đưa ra trước đó.
Tại Washington, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm cách đối phó với chi phí năng lượng tăng bằng cách giải phóng hàng triệu thùng dầu thô từ các kho dự trữ khẩn cấp. Tuy nhiên, Washington chưa can thiệp vào hệ thống bán lẻ với các chương trình miễn thuế hay trợ cấp trực tiếp.
Ireland hôm 9/3 cho biết sẽ cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và dầu diesel cho đến cuối tháng 8. Bồ Đào Nha cũng giảm thuế đặc biệt đánh vào nhiên liệu từ 11/3.
Tại Pháp, khi cuộc bầu cử tổng thống chỉ còn cách một tháng, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết chính phủ của ông sẽ sớm công bố các biện pháp giúp các hộ gia đình đối phó với giá nhiên liệu tăng cao, đồng thời chỉ ra rằng nước này đã chi 20 tỷ euro mỗi năm để kìm chi phí xăng và điện.
"Tôi sẽ không để bất cứ ai nói rằng chính phủ không làm gì", ông Macron nói trong một sự kiện tranh cử.
Chính phủ Cộng hoà Séc trong khi đó sẽ bãi bỏ việc pha trộn bắt buộc các thành phần sinh học vào nhiên liệu, và bỏ một loại thuế đường bộ để đối phó giá tăng cao.
Rủi ro suy thoái
Sau khi Mỹ thông báo cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu khí Nga, Anh và các nước châu Âu cũng công bố những kế hoạch tương tự.
Theo Reuters, các nhà phân tích tại JP Morgan Chase&Co và Bank of America đã dự đoán sự gián đoạn đối với dòng chảy dầu của Nga có thể đẩy giá dầu lên 185 - 200 USD/thùng.
Tại Mỹ, giá xăng trung bình đã đạt mức kỷ lục 4,3 USD/gallon (3,7 lít) trong tuần trước, và được dự đoán có thể tăng lên khoảng 5 USD/gallon vào cuối tháng 5, khi nhu cầu lái xe mùa hè tăng cao.
Tại Anh, giá xăng không chì trung bình tại trạm bơm tăng lên 1,58 bảng Anh/lít, trong khi dầu diesel đạt 1,65 bảng Anh/lít, cả hai đều cao kỷ lục.
Giá xăng của Australia cũng ở mức cao kỷ lục, chạm mức 2 AUD (1,46 USD)/lít.
Nếu giá cả tiếp tục tăng - như nhiều nhà phân tích dự đoán – điều đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh tế, giảm tiêu thụ và trong một số trường hợp có thể gây ra bất ổn.
Goldman Sachs cho biết họ dự đoán nhu cầu dầu sẽ giảm 1 triệu thùng mỗi ngày - hoặc gần 1% mức tiêu thụ toàn cầu - nếu giá tăng lên 150 USD/thùng.
Livia Gallarati, nhà phân tích thị trường dầu tại Energy Aspects, nói trên Reuters:“Giá năng lượng cao ngất trong một thời gian dài, rủi ro về phân bổ năng lượng và cuối cùng là suy thoái kinh tế đang ngày một tăng”.