Châu Âu vật lộn với 'cơn nghiện' khí đốt Nga
Ngày 6/3, Nga ra thông báo đường ống Yamal-Europe đã tạm dừng tất cả các nguồn cung cấp khí đốt sang hướng Tây. Động thái này sẽ khiến châu Âu, đặc biệt là Đức, gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng thay thế.
Tỉ lệ phụ thuộc khí đốt vào Nga của khối EU theo thứ tự giảm dần.
Theo các nhà nghiên cứu châu Âu, với giá cao kỷ lục, giá trị xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang Liên minh châu Âu đã tăng từ 220 triệu USD hồi tháng 2 lên khoảng 545 triệu USD/ngày. Trước cuộc tấn công, Nga cũng đang xuất khẩu dầu trị giá hàng trăm triệu USD mỗi ngày sang châu Âu.
"Với tư cách Liên minh châu Âu (EU), chúng ta đang mua rất nhiều khí đốt và dầu của Nga. Tổng thống Putin đang thu tiền của chúng ta, của người châu Âu", Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết tại Hội nghị Thượng đỉnh EU.
Riêng về khí đốt, 40% lượng khí đốt của 27 quốc gia đến từ Nga và tỷ lệ này dần tăng lên trong những năm gần đây. Đức là khách hàng khí đốt tự nhiên lớn nhất của Nga. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Bruegel, hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên của Đức được nhập khẩu từ Nga.
Đổi lại, Nga cần tiền của châu Âu. Doanh thu từ dầu và khí đốt của Nga năm 2021 trị giá 9,1 nghìn tỷ rúp, vào tháng 1 năm nay đã quy đổi thành 119 tỷ USD, theo báo cáo của Reuters. Con số đó chiếm 36% ngân sách của đất nước.
Các biện pháp trừng phạt từ Phương Tây đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga, nhưng chúng vẫn chưa nhắm mục tiêu trực tiếp vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy chính phủ các nước phương Tây lo ngại về việc giá năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng vọt. Cuối cùng, điều họ mong muốn là khí đốt của Nga, ít nhất vẫn tiếp tục chảy.
Dầu mỏ lại là một câu chuyện khác. Trong khi giá dầu thô Brent tăng vọt trong tuần qua, giao dịch ở mức khoảng 115 USD/thùng vào thứ Sáu (4/3), dầu thô Urals hàng đầu của Nga lại được chào bán với mức chiết khấu 18 USD/thùng nhưng chẳng ai dám mua dù giá đã giảm sâu. Châu Âu hoàn toàn có thể mua dầu từ nơi khác. Nhưng việc thay thế khí đốt tự nhiên của Nga khó hơn rất nhiều.
Châu Âu tiến tới loại bỏ khí đốt Nga, nhưng liệu có thành công?
Những người ủng hộ vì khí hậu trong nhiều năm đã thúc đẩy kế hoạch loại bỏ khí đốt tự nhiên trên thế giới, một loại nhiên liệu hóa thạch có tác dụng làm hành tinh nóng lên nhanh chóng.
Kadri Simson, ủy viên năng lượng EU cho biết khối sẽ công bố kế hoạch vào tuần tới nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga và đẩy nhanh việc áp dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn. Bà nhận định: "Rõ ràng chúng ta không thể để cho bất kỳ quốc gia thứ ba nào gây bất ổn cho thị trường năng lượng hay tác động tới các lựa chọn năng lượng của mình".
Ban đầu, Đức có kế hoạch đạt được mục tiêu chuyển đổi 100% năng lượng tái tạo vào năm 2040, nhưng kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, Đức hy vọng hoàn thành mục tiêu này trước 5 năm.
Theo kế hoạch 10 điểm nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, IEA nói rằng nếu tất cả các tòa nhà ở Liên minh châu Âu giảm nhiệt xuống chỉ 1 độ C, khối EU sẽ tiết kiệm được 10 tỷ mét khối khí đốt. Con số này gần bằng lượng khí đốt tự nhiên Thành phố New York tiêu thụ trong ba tháng, hoặc lượng khí đốt Hungary tiêu thụ trong hơn một năm.
Ben McWilliams, một nhà phân tích khí hậu và năng lượng tại Viện Kinh tế Quốc tế Bruegel (Bỉ), tin rằng phương pháp giảm nhiệt độ sưởi ấm chỉ nên được sử dụng như một "phương án cuối cùng". Không những vậy, họ cần tìm các nhà cung cấp khí đốt khác, chẳng hạn như Mỹ, Azerbaijan và Qatar.
Trong kịch bản tệ hơn, giới phân tích cho rằng các nhà máy hóa chất, luyện kim và những cơ sở sử dụng nhiều khí đốt khác phải tạm thời đóng cửa. Điều này có thể đạt được nếu chính phủ trả tiền cho các công ty để hạn chế tiêu thụ khí đốt và điện ở một mức độ nào đó. Khí đốt và điện sẽ bị cắt luân phiên, khiến nhiều người dân châu Âu phải chịu cảnh mất điện hoặc bị ngắt hệ thống sưởi ấm trong mùa đông giá lạnh.
Tara Connolly, một nhà vận động của tổ chức phi chính phủ Global Witness, cho rằng châu Âu cần tung ra chương trình khẩn cấp để thoát khỏi phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.
"Rõ ràng sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga đã giúp Moskva có nguồn lực để hành động ở Ukraine, đồng thời cản trở những phản ứng của châu lục", Connolly nói. "Điều này cho thấy không chỉ nhiên liệu hóa thạch đang phá hủy khí hậu, chúng ta cũng đang góp phần tạo ra một thế giới nhiều biến động hơn".