Xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Bắc Ninh
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp (Sở Công Thương) vừa tổ chức hội thảo “Xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Bắc Ninh”.
Hội thảo tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung về: Thực trạng và giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ trong tình hình hiện nay tại tỉnh và định hướng, mục tiêu phát triển trong những năm tiếp theo; chính sách, cơ hội đầu tư tại Bắc Ninh tới các nhà đầu tư nước ngoài; tiềm năng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng, xúc tiến đầu tư thu hút vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; xúc tiến và hỗ trợ mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho các ngành công nghiệp hỗ trợ; tạo mối liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp Việt Nam với các Tập đoàn đa quốc gia, các công ty sản xuất, láp ráp trong và ngoài nước; những khó khăn cần tháo gỡ để đưa ra phương án giải quyết nhằm cải thiện môi trường sản xuất và phát triển công nghiệp tại tỉnh.
Những năm qua, công nghiệp hỗ trợ được tỉnh Bắc Ninh đặc biệt quan tâm, định hướng là một trong những ngành ưu tiên phát triển và ưu đãi đầu tư. Với sự ra đời của Nghị định về công nghiệp hỗ trợ, cũng như các chính sách của nhà nước về công nghiệp hỗ trợ, đã góp phần thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp được cải thiện, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đã phần nào đáp ứng được nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Đến nay, Bắc Ninh có khoảng 500 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng, chiếm khoảng 20% sổ doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Các tham luận của đại biểu đã tập trung đi sâu phân tích các vấn đề: Thực trạng và giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Bắc Ninh; Các chính sách, cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Vấn đề kết nối công nghiệp hỗ trợ, xúc tiến đầu tư thu hút vào công nghiệp hỗ trợ; Những khó khăn và các phương án giải quyết nhằm cải thiện môi trường sản xuất và phát triển công nghiệp của tỉnh.
Hiện nay, Bắc Ninh có hơn 18.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có khoảng 4.100 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, 500 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Những năm gần đây, giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ có mức tăng trưởng khá, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 của khối công nghiệp hỗ trợ ước đạt 112.796,8 tỷ (giá so sánh 2010), chiếm 10,9% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Để tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có nhu cầu và lợi thế phát triển, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ của tỉnh gồm: Sản xuất, lắp ráp sản phẩm linh kiện điện tử; Cơ khí chính xác, công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, Chế biến thực phẩm - đồ uống. Tỉnh Bắc Ninh ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025 phù hợp với đối tượng sản phẩm và năng lực của doanh nghiệp, trên cơ sở các tiêu chuẩn, yêu cầu của tập đoàn đa quốc gia, các tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phát huy lợi thế tham gia chuỗi cung ứng cho các dự án FDI trên trong nước, hướng tới thị trường xuất khẩu.
Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ khuyến khích chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất công nghiệp; chuyển công nghiệp sang sản xuất, chế tạo, công nghệ cao; Khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng sáng chế, sáng kiến từ doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu phát triển nước ngoài; nâng cao năng lực làm chủ công nghệ.
Chương trình hướng tới mục tiêu: Phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thế mạnh dựa trên nhu cầu phát triển của tỉnh phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của Bắc Ninh đến năm 2030 trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và định hướng đến năm 2045 là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh. Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước; thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng trong địa bàn tỉnh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp lắp ráp; thúc đẩy liên kết với các tỉnh có lợi thế phát triển công nghiệp như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương... nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn;
Đến năm 2025: Có khoảng 800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó 70% doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất. Giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 15% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển công nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hàng năm tăng từ 8% - 9%. Liên kết, xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn, cải tiến doanh nghiệp trong và ngoài nước; mỗi năm tổ chức tư vấn, cải tiến cho từ 5-10 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn tham gia cung ứng cho Samsung và các doanh nghiệp FDI khác.
Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025 có 5 nội dung chính với tổng kinh phí thực hiện gần 154 tỷ đồng, gồm các hoạt động cụ thể:
Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.
Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.
Xây dựng và công bố thông tin về công nghiệp hỗ trợ hàng năm./.