Nhóm kim loại giảm sâu sau khi lập đỉnh, dòng tiền vẫn đổ mạnh vào thị trường
Đóng cửa tuần trước, thị trường hàng hóa thế giới chứng kiến những phiên biến động rất lớn và có sự phân hóa rõ rệt ở các nhóm hàng quan trọng. Điều này khiến chỉ số MXV-Index tuy chỉ giảm nhẹ hơn 1% xuống mức 2,394 điểm, nhưng giá trị giao dịch toàn Sở lại tăng lên trên 4,000 tỷ đồng mỗi phiên trong tuần qua.
Trong đó, dòng tiền của giới đầu tư trong nước vẫn đang tập trung vào nhóm năng lượng và kim loại, nơi chứng kiến các diễn biến rất sôi động trong thời gian gần đây.
Nhóm kim loại có thể coi như tâm điểm của thị trường hàng hóa trong tuần vừa qua khi mà hầu hết các mặt hàng đều biến động mạnh và mang lại rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Lực mua áp đảo trên thị trường bạc tuần thứ 5 liên tiếp, giúp cho giá đóng cửa tuần tăng gần 5% lên 24.45 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 6 tuần. Giá bạch kim biến động khiêm tốn hơn với mức giảm 0.6% còn 1052 USD/ounce. Diễn biến này không quá bất ngờ đối với thị trường, bởi trước đó, giá bạch kim đã tăng mạnh hơn nên đà tăng đang ở trong giai đoạn chững lại, còn giá bạc có được sự bứt phá mạnh mẽ nhờ vào những nỗi lo lạm phát khi mà chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong vòng một thập kỷ.
Với kim loại cơ bản, hai mặt hàng dẫn dắt là nhôm và đồng đều giảm mạnh khi thị trường điều chỉnh trở lại sau những phiên tăng liên tiếp trước đó. Giá đồng tăng mạnh lên 4.83 USD/pound ngay trong phiên đầu tuần nhưng lực bán chốt lời đã khiến cho giá quay đầu giảm gần 5% và đóng cửa tuần ở mức 4.5 USD/pound, bất chấp việc tồn kho đồng ở các Sở LME, Sở COMEX, và Sở Thượng Hải đều giảm mạnh.
Sự chênh lệch lớn giữa giá trị hợp đồng tương lai và hợp đồng giao ngay là yếu tố tăng tính đầu cơ, nhưng lại làm giảm lực mua trên thị trường hàng thật. Vì vậy, đến cuối tuần, lực mua đã yếu đi rõ rệt khi giá đồng gần kề với mức đỉnh lịch sử. Giá quặng sắt tiếp tục giảm 3% còn 118.5 USD/tấn. Vốn là điểm sáng của thị trường kim loại trong nửa năm nay, nhưng trong đợt tăng vừa qua của nhóm kim loại, giá quặng sắt không được “hưởng lợi”, trái lại, vẫn giảm mạnh do các chính sách hạn chế sản lượng thép nghiêm ngặt của Trung Quốc.
Giá dầu tiếp tục nối dài đà tăng từ đầu tháng 9, với dầu WTI tăng 2.48% lên 83.76 USD/thùng trong khi dầu Brent tăng 0.79% lên 85.53 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015 giá WTI tăng 9 tuần liên tiếp.
Trong tuần, giá dầu được thúc đẩy bởi các yếu tố tồn kho tại Mỹ. Tại Cushing (Okalahoma) và Texas, khu vực giao nhận dầu thô trong các hợp đồng kỳ hạn WTI có tầm ảnh hưởng lớn đối với thị trường. Trong 2 tuần qua, lượng dầu trữ tại đây đã giảm 4 triệu thùng xuống mức 31 triệu thùng do hoạt động xuất khẩu tăng cao, trong khi theo ước tính chung, các kho chứa cần duy trì lượng dầu 20 triệu thùng để hoạt động bình thường.
Ngân hàng JPMorgan Chase cho biết, với tốc độ này, chỉ vài tuần nữa lượng dầu ở Cushing sẽ xuống đến mức nguy hiểm, thúc đẩy giá WTI tiếp tục tăng mạnh. Đây là lý do khiến cho các quỹ gia tăng nắm giữ WTI trong khi bắt đầu tiến hành chốt lời vị thế của Brent, phần nào khiến cho chênh lệch Brent - WTI ngày càng giảm, từ 2.66 USD/thùng xuống 1.77 USD/thùng chỉ trong 1 tuần.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc khiến các nhà máy ép dầu phải dừng hoạt động đã đẩy giá khô và dầu đậu tương tăng mạnh. Trong khi đó, tại Malaysia, để giảm bớt lo ngại về thiếu hụt nguồn cung dầu thực vật, chính phủ tuyên bố sẽ cho phép người lao động nước ngoài trong ngành sản xuất dầu cọ được quay trở lại làm việc sau gần 16 tháng. Điều này đã khiến giá dầu cọ quay đầu, thu hẹp mức tăng trong tuần sau khi đạt mức cao nhất trong lịch sử vào thứ Năm.
Giá ngô đóng cửa tuần vừa qua cũng với mức tăng khá mạnh. Nước Mỹ đang hồi phục trở lại sau đại dịch Covid-19 khiến cho nhu cầu trong ngành sản xuất ethanol, nguyên liệu pha trộn xăng sinh học, tăng lên là yếu tố chính thúc đẩy giá trong giai đoạn này. Sản lượng ethanol đang ở trong xu hướng tăng và đã đạt mức cao nhất trong hơn 2 năm qua.
Lúa mì là mặt hàng tăng mạnh nhất trong nhóm nông sản. Theo một nguồn tin thị trường, các cảng xuất khẩu của Australia đã được đặt kín lịch từ giờ đến giai đoạn cuối tháng 01 năm tới, để phục vụ cho việc vận chuyển lúa mì, sẽ được thu hoạch từ tháng 11 tới đây. Điều này cho thấy nhu cầu hiện tại của thị trường là đang rất lớn, trong bối cảnh nguồn cung từ các nước khác bị hạn chế do các chính sách thuế. Điển hình là ở Nga, khi mà thuế xuất khẩu lúa mì tiếp tục tăng đột biến đến gần 10% trong tuần này, lên mức 67 USD/tấn.