Hải Phòng: Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp hỗ trợ
Hải Phòng đang tích cực triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ.
Thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ
Công nghiệp là một trong ba lĩnh vực mũi nhọn phát triển, hiện Hải Phòng đang nỗ lực tích cực trong việc thúc đẩy, thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong những năm qua, thành phố Hải Phòng đã và đang ưu tiên thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất công nghiệp hỗ trợ để cung cấp tại chỗ các nguyên liệu, chi tiết, linh kiện, bán thành phẩm,... cho các ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố như cơ khí, điện tử, công nghiệp ô tô, dệt may, da giày, logistics.
Theo báo cáo tính đến 9/2023, Khu kinh tế và các khu công nghiệp (KKT, KCN) trên địa bàn Hải Phòng đã thu hút được 494 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 24,9 tỷ USD. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 tới nay, đã có gần 3 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào địa phương này.
Nổi bật đó là Tổ hợp các dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 9,24 tỷ USD; Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast với tổng vốn đầu tư khoảng 7,6 tỷ USD; Tập đoàn Bridgestone với 1,224 tỷ USD; Pegatron với 900 triệu USD, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) với 500 triệu USD...
Mới đây, UBND TP. Hải Phòng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn cho Dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025 với số vốn 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên hơn 2 tỷ USD. Đây là một Nhà máy chuyên sản xuất các loại linh kiện điện tử phụ trợ cho ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô, di động, module camera điện thoại...
Tiếp nữa, trong hai năm gần đây, Công ty TNHH LG Display Việt Nam tại Hải Phòng đã 2 lần tăng vốn, nâng tổng vốn đầu tư hiện nay lên đến 4,65 tỷ USD và đang chuẩn bị hoàn thành xây dựng nhà máy H3 mới trên diện tích hơn 4 ha tại KCN Tràng Duệ. Với sự đầu tư này, Công ty tăng sản lượng sản phẩm phụ trợ là màn hình OLED nhựa từ 9,6 - 10 triệu sản phẩm/ tháng lên 13 - 14 triệu sản phẩm/ tháng. Theo đó, dự kiến, doanh thu xuất khẩu tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD/ năm; nộp ngân sách thêm khoảng 25 triệu USD/năm, tạo thêm việc làm cho trên dưới 10.000 lao động.
Ông Lê Trung Kiên -Trưởng Ban quản lý KKT Hải Phòng cho hay, trong các dự án FDI tại các khu kinh tế, KCN ở Hải Phòng có hơn nửa số vốn đầu tư được tập trung cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cụ thể như: Sản xuất điện tử, điện thoại, máy tính...; 22,3% số vốn cho công nghiệp chế tạo ô-tô, xe máy, máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùn...
Riêng năm 2022, hơn 81% vốn đầu tư FDI vào Hải Phòng với 56 dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chế biến, chế tạo. Ðồng thời năm 2022, các doanh nghiệp trong KKT, KCN Hải Phòng đã đạt doanh thu 26,7 tỷ USD, xuất khẩu đạt 22,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 21,15 tỷ USD; nộp ngân sách 16.131 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 195 nghìn lao động...
Hoàn thiện và triển khai cơ chế thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ
Có thể nói, việc thu hút đầu tư, phát triển mạnh mẽ các KCN và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao nói trên cho thấy, Hải Phòng đang quyết tâm hiện thực hoá mục tiêu trở thành địa phương đi đầu cả nước trong công nghiệp hoá- hiện đại hoá theo tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bởi vậy, Hải Phòng luôn sẵn sàng chào đón, hay đang nỗ lực “xây ổ đón đại bàng”, nhằm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng mạnh hơn nữa, góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hoá- hiện đại hoá đất nước…
Theo đó, Hải Phòng đã tập trung nhiều chính sách đột phá, thúc đẩy phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao. Đơn cử như Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND Thành phố về quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công; Kế hoạch số 273/KH-UBND ngày 27/11/2020 của Ủy ban nhân dân TP Hải Phòng thực hiện Chương trình đổi mới công nghệ TP Hải Phòng giai đoạn 2021-2025. Đáng chú ý, ngày 10/5/2022, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 1338/QĐ-UBND về việc ban hành Danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư, không khuyến khích đầu tư trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hơn nữa là các văn bản dưới luật gần đây như: Quyết định số 26/2023/QĐ-UBND về quy định xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hải Phòng; Dự thảo Đề án “Xây dựng chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN do ngân sách Thành phố đảm bảo giai đoạn 2020 – 2025”, với tổng kinh phí dự toán trên 335,4 tỷ đồng… Các Quyết định văn bản này tạo đòn bẩy giúp ngành công nghiệp hỗ trợ được hưởng lợi và bứt phá .
Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố; Nâng cao năng lực hỗ trợ và nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ, năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Với những cơ chế chính sách trên đã tạo điều kiện thuận lợi công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng của Hải Phòng phát triển và tạo bước đột phá trong thời gian tới.