Bốn chữ P quyết định tương lai chuỗi cung ứng toàn cầu năm 2022
Tương lai cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2022 phụ thuộc vào bốn yếu tố P: Product (sản phẩm), Prices (giá cả), People (con người) và Political (chính trị).
Theo GS Sridhar Tayur tại Trường kinh doanh Tepper thuộc ĐH Carnegie Mellon (Mỹ), tương lai cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng phụ thuộc vào bốn yếu tố P: Product (sản phẩm), Prices (giá cả), People (con người) và Political (chính trị).
Về sản phẩm, nhiều mặt hàng sẽ tiếp tục khan hiếm, đặc biệt là các chất bán dẫn. Giá cung cấp sẽ tiếp tục cao và thậm chí giá một số loại nguyên liệu thô có thể sẽ tăng cao hơn. Tình trạng thiếu nhân lực sẽ tiếp tục là một vấn đề nan giải. Các quyết định chính trị liên quan lạm phát, chính sách thương mại đa quốc gia và lao động nhập cư sẽ có tác động khá lớn.
Xe container kẹt ở khu vực cảng Oakland, bang California (Mỹ) hồi tháng trước. Ảnh: AP
Bên cạnh đó, hoạt động cung ứng toàn cầu năm tới sẽ xuất hiện một số hiện tượng đáng lưu ý. Sẽ xuất hiện phản ứng dây chuyền thái quá đối với cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, theo ông Scott Gravelle - người sáng lập và Chủ tịch công ty chuyên về hệ thống quản lý hàng tồn kho Attabotics (Canada).
Ông lý giải, do sợ không có đủ hàng dự trữ, các nhà bán lẻ lớn sẽ đặt hàng với số lượng lớn hơn, gây căng thẳng cho các nhà sản xuất. Hệ lụy là các nhà sản xuất sẽ tập trung đáp ứng nhu cầu hàng dự trữ của các nhà bán lẻ lớn, mất tập trung vào việc sản xuất đa dạng hàng hóa cho nhu cầu người tiêu dùng. Hậu quả là thị trường sẽ tràn ngập những thứ mà người tiêu dùng không muốn, sự lựa chọn hàng hóa và dịch vụ thậm chí còn hạn chế hơn.
Chủ tịch khu vực châu Mỹ của nền tảng quản lý giao hàng thông minh FarEye (Ấn Độ) - ông Paul Greifenberger dự đoán nhu cầu vận chuyển và giao hàng tận nhà sẽ vượt quá khả năng cung cấp của ngành, do nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với hàng hóa vật chất.
Sẽ có nhiều đầu tư hơn từ các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình vào chuỗi cung ứng và hậu cần, ở các mảng theo dõi, hậu cần chặng cuối và thương mại điện tử, theo chuyên gia Lindsey Gray, một đối tác của Công ty đầu tư mạo hiểm Two Sigma Ventures (Mỹ).
Theo ông Mike Edgett, Giám đốc tiếp thị sản phẩm tại Công ty dịch vụ kế toán, thanh toán Sage (Singapore), tới đây các doanh nghiệp sẽ tìm cách nâng cấp và áp dụng các giải pháp công nghệ mới nhất để quản lý chuỗi cung ứng.
Tình trạng lừa đảo trong hoạt động cung ứng sẽ nhiều hơn, theo ông Stu Bradley - Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách tình báo gian lận và bảo mật tại Công ty phân tích SAS (Mỹ). Ông lưu ý rằng “mặc dù gian lận trong chuỗi cung ứng không có gì mới nhưng tình trạng này sẽ là một thách thức lớn trên toàn cầu vào năm 2022, trong khi đại dịch đang tiếp diễn và làm gián đoạn mọi thứ”.